Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Tức là, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như mức trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ trong hệ thống. Ví dụ, tại kỳ điều hành ngày 30/1, liên bộ Công Thương - Tài chính công bố giá bán xăng RON 95-III là 23.147 đồng một lít; dầu diesel tối đa 22.524 đồng một lít... thì các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu công bố giá bán lẻ không được cao hơn mức này.
Theo dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng, hai phương án điều hành giá xăng dầu vẫn được đưa ra. Phương án 1, tiếp tục điều hành giá theo quy định hiện nay, sửa công thức giá cơ sở theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành, phương thức, tần suất xác định chi phí... để đảm bảo tính đúng, đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.
Phương án 2, là Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá... để định hướng việc tính, quyết định giá bán lẻ xăng dầu. Trên cơ sở các chi phí thực tế (chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium...) doanh nghiệp tự xác định, công bố giá bán lẻ của mình và kê khai, báo cáo thay đổi giá về liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.
Khác với lựa chọn đưa ra hồi tháng 1 khi lấy ý kiến các bộ, ngành là cho doanh nghiệp được tự quyết giá bán, lần này Bộ Công Thương - một trong hai cơ quan điều hành xăng dầu, lại đề nghị chọn phương án 1, tức Nhà nước tiếp tục điều hành giá.
Tuy nhiên, công thức giá cơ sở sẽ được sửa đổi theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính, các quy định về phương thức xác định chi phí, tần suất xác định chi phí.
Giải thích thêm, Bộ này cho rằng, việc Nhà nước tiếp tục điều hành giá xăng dầu sẽ quản lý chặt chẽ giá bán trên thị trường là cần thiết, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt chi phí, rà soát tính đúng, đủ các chi phí phát sinh của doanh nghiệp. Ngoài ra việc quản lý như hiện nay sẽ cơ bản thống nhất giá giữa các địa bàn.
Về thời gian điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xuống 7 ngày. Thời gian điều hành giá sẽ cố định vào thứ Năm hàng tuần và điều hành cả vào các dịp nghỉ Lễ để tránh có biến động, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh. Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều hành giá nếu giá cơ sở biến động tăng trên 5% giữa hai kỳ điều hành giá.
Trước khi đưa ra đề xuất này, cơ quan quản lý cho hay có 2 phương án về thời gian điều hành, công bố giá được đưa ra sau khi lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
Một là, giữ nguyên quy định hiện nay về thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu, tức vào ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi thị trường có biến động lớn, Thủ tướng chỉ đạo liên Bộ Công Thương - Tài chính về thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến thị trường từng giai đoạn.
Ưu điểm phương án này là không ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, có sự ổn định thương đối giá xăng dầu để không ảnh hưởng tới điều hành vĩ mô do đây là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Nhưng phương án này chưa giải quyết được dứt điểm việc các chi phí kinh doanh được tính đúng, đủ...
Hai là, thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu sẽ được rút ngắn xuống 7 ngày, vào thứ Năm hàng tuần. Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều hành giá nếu giá cơ sở biến động tăng trên 5% giữa hai kỳ điều hành giá. Phương án này có ưu điểm là giá trong nước biến động sát hơn với giá thế giới. Tuy nhiên, thời gian nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam thường mất 10-15 ngày, nên khi thị trường bất ổn sẽ bất lợi cho doanh nghiệp, họ khó đoán định được giá trong nước khi nhập hàng (nhất la khi giá đi xuống).
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.
Việc sửa đổi quy định kinh doanh xăng dầu nhằm xử lý những bất ổn, xáo trộn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng quốc gia.