* Bài tiết lộ một phần nội dung kịch
Tác phẩm mới nhất của sân khấu Idecaf (TP HCM) do Lê Hoàng biên kịch. Sau 5 năm, kể từ nhạc kịch Tiên Nga, Thành Lộc trở lại vai trò đạo diễn kiêm vai phụ. Vở kịch còn có sự tham gia của nghệ sĩ Mỹ Duyên, Lê Hoàng Giang, Ngọc Xuyên, Đông Hải.
Như đa số vở Lê Hoàng chấp bút tại Idecaf, kịch bản Alô, lộ hàng khá đơn giản, các nhân vật không có tên, tuổi cụ thể. Câu chuyện bắt đầu ở khung cảnh trạm xe buýt, nơi hẹn hò bí mật của một nữ sinh (Ngọc Xuyên) và ca sĩ hạng A trong làng giải trí (Lê Hoàng Giang).
Sự cố xảy ra khi cô gái bị tên cướp (Đông Hải) giật mất điện thoại, trong đó có chứa video "nóng" của cô và bạn trai. Ca sĩ ngôi sao đứng trước bờ vực tiêu tan sự nghiệp nếu video bị đăng lên mạng. Họ nhận được cuộc gọi của tên cướp, nói sẽ trả điện thoại với một giao kèo bất ngờ. Từ đây, bản chất của nhân vật bị lột trần, đẩy không khí bi - hài kịch lên cao trào với những dối trá, lừa lọc.
Nếu trong Hợp đồng mãnh thú - kịch gây sốt hơn 10 năm trước, Lê Hoàng châm biếm thói hư tật xấu của những người trọng tiền bạc, ở tác phẩm mới, anh đả kích giá trị ảo trong làng giải trí. Qua màn đối thoại của đôi nam nữ chính, ngành showbiz dần lộ tẩy nhiều góc khuất. Một ngôi sao với chất giọng trung bình nhưng tự cho mình đứng đầu nền giải trí nước nhà. Bất tài, anh vẫn vươn lên đỉnh cao trong nghề nhờ thường xuyên hát nhép.
Được hàng chục cô gái vây quanh, anh chọn người ngây thơ nhất để hẹn hò vì muốn giữ cuộc tình trong bí mật. Khi nguy cơ bị lộ, anh sẵn sàng đẩy người yêu vào thế khó để giữ vững hào quang sự nghiệp. Từ góc tối của showbiz, Lê Hoàng bóc tách dần mặt trái ở lòng người.
Tác phẩm còn đề cập mối quan hệ giữa fan và thần tượng. Một cô gái tự hào có bạn trai là ngôi sao showbiz dù không thể tiết lộ chuyện đó với bất kỳ ai. Chỉ đến khi gặp biến cố, cô đau đớn nhận ra bản chất của người yêu. Đó còn là bi kịch của một bà lão "fan cuồng" dành mấy chục năm thanh xuân để đeo đuổi những bóng hình ảo, song kết cục nhận lại toàn ê chề, cay đắng.
Ngoài những tình tiết trào phúng, tác phẩm ca ngợi những người giữ phẩm chất trong sáng, ngây thơ giữa cuộc sống lừa lọc. Lê Hoàng phát huy khả năng viết thoại sắc bén, giàu tính đối thoại. Qua lời văn của biên kịch, vở cài cắm thông điệp: một tâm hồn lãng mạn có thể thuần hóa những điều hung hãn, xấu xa. Kịch bản cũng mang đậm tính nhân văn khi ở hồi kết, một nhân vật không xuống tay trả thù, chọn hướng giải quyết tốt đẹp hơn.
Nhường "đất" diễn cho lớp trẻ, Thành Lộc vẫn là điểm sáng. Chủ yếu xuất hiện nửa cuối vở, nghệ sĩ đẩy không khí lên cao trào nhờ lối diễn giàu năng lượng. Thành Lộc liên tục biến hóa trong phong cách hài hình thể lẫn hài thoại. Có lúc, anh hóa thân thành một nữ quái với trang phục lố lăng, lúc là một bà cụ ăn mặc dị hợm. Nghệ sĩ cũng thể hiện sở trường chơi chữ bằng lối nhấn nhá khi lên, xuống giọng.
Phân cảnh nữ quái tâm sự với ca sĩ hạng A về thời thanh xuân gợi niềm thương cảm. Giọng thoại từ tốn, chậm rãi của nhân vật vừa tạo được tiếng cười nhẹ nhàng, vừa đượm mùi chua chát, cay đắng của một người dành cả đời đi tìm hạnh phúc. Nghệ sĩ có màn độc diễn giàu cảm xúc khi trải lòng dưới ngọn đèn follow, xung quanh tràn ngập bóng tối.
Trong vai trò đạo diễn, Thành Lộc gây ấn tượng khi hướng tác phẩm theo thể loại nhạc kịch. Hơn 10 ca khúc lồng ghép trong vở kịch đều do Đức Trí sáng tác, tương ứng cảm xúc nhân vật trong từng phân cảnh. Khi nữ sinh và ca sĩ hạng A hẹn hò, giai điệu Lúc mới yêu vang lên lãng mạn, tình tứ. Một cặp nhân vật khiêu vũ trên nền nhạc Vội vàng, gửi gắm lời tâm tình của chàng trai: "Ước mong một ngày em sẽ thấy/ Những chân tình trong anh vẫn đấy/ Sẽ không vội vàng nữa, như bây giờ...". Ca khúc Bóng mây đời tôi dẫn lối khán giả vào tâm trạng đớn đau của một nhân vật tuyệt vọng vì cô đơn.
Thành Lộc tinh giản khâu mỹ thuật lẫn đạo cụ, giúp êkíp tiết kiệm thời gian chuyển cảnh. Với không gian nhỏ, ít diễn viên, anh sử dụng thủ pháp ước lệ khi dàn dựng. Có lúc, sân khấu chỉ được bài trí một hàng ghế dài, các diễn viên vẫn thỏa sức tung hứng với âm nhạc và vũ đạo. Đi xem suất ra mắt tối 5/6, khán giả - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết thích phong cách đanh đá, sắc bén trong lời thoại, đường dây câu chuyện của Lê Hoàng, và cách đạo diễn sử dụng âm nhạc Đức Trí trong các phân đoạn.
Thành Lộc cho biết khi nhận kịch bản của Lê Hoàng hồi giữa năm ngoái, ban đầu anh không mặn mà vì sợ trùng với những vở cùng thể loại, như Hợp đồng mãnh thú, Mưu bà Tú, Sát thủ hai mảnh... Đầu năm nay, anh cùng Vũ Minh bắt tay vào dựng vở thì đạo diễn lâm bệnh rồi qua đời. Tiếp quản tác phẩm, anh dành thời gian nghĩ hướng phát triển, do kịch bản Lê Hoàng thú vị nhưng khó dàn dựng.
Trao đổi với Đức Trí - từng đảm nhận âm nhạc trong vở Tiên Nga, anh được khuyên làm theo hướng nhạc kịch. Thành Lộc đọc kịch bản nhiều lần, chọn những lời ca hợp với các tình huống. "May mắn, tôi được các diễn viên trong êkíp hưởng ứng ý tưởng, được nhạc sĩ Đức Trí hỗ trợ khi phối mới toàn bộ ca khúc", nghệ sĩ nói.
Mai Nhật