Tôi chỉ nghĩ là anh ấy đang tạm lánh xa mạng xã hội. Nhưng vài tuần sau, sau khi gặp gỡ với một nhóm bạn khác, tôi mới biết anh đã xin nghỉ việc, ly hôn và giao nhà, xe, tài sản lại cho vợ con. Còn anh ấy thì bỏ lên núi học thiền, bạn bè ít liên lạc được.
Tôi khá chạnh lòng khi biết thông tin trên. Không hiểu vì lý do gì mà một người từ hoạt bát, năng nổ, hay kết nối bạn bè lúc trước lại thay đổi tâm lý đột ngột và dẫn đến những kết quả như vậy. Ắt hẳn là anh ấy đã trải qua một cú sốc gì đó ghê gớm lắm nhưng không có ai an ủi, tư vấn để giải tỏa kịp thời, dù là đang có vợ, con.
>> Cú sốc thất nghiệp tuổi 40 của dân văn phòng
Mấy năm gần đây tôi hay thấy thuật ngữ "khủng hoảng tuổi trung niên". Ban đầu tôi khá là buồn cười vì trung niên là cái tuổi gần "tri thiên mệnh" rồi mà còn khủng hoảng, làm như các cháu đến tuổi dậy thì không bằng?
Nhưng qua thời gian quan sát và kết luận, từ những bài viết chia sẻ lẫn những trường hợp thực tế ngoài đời, tôi nhận thấy tuổi trung niên nếu chẳng may khủng hoảng thường trầm trọng hơn các độ tuổi còn lại vì... cô đơn.
Nếu như một đứa trẻ đến tuổi dậy thì gặp khó khăn về chuyện học hành, tình cảm tuổi mới lớn... chúng sẽ được bố mẹ, anh chị em quan tâm. Hoặc ít ra cũng có những người bạn cùng trang lứa để tâm sự.
Nhưng một người trung niên mà gặp khủng hoảng, thường vì hai lý do chính là gia đình và tài chính, công việc. Nhưng vì trách nhiệm gánh vác của "người lớn", của lòng sĩ diện khiên đôi khi họ quá cô đơn, không dám chia sẻ với người bạn đời, cũng như bạn bè.
Theo một nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người Việt là 74 tuổi. Tôi nghĩ, rất cần có những nghiên cứu, các trung tâm tư vấn hỗ trợ để giúp những người tuổi trung niên tránh rơi vào khủng hoảng của độ tuổi. Vì từ trung niên đến 60, 70 tuổi cũng là một quãng đường xa. Mà để đến được cái đích đó, họ cần phải vượt qua khủng hoảng trước đã.
Tâm Đức
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.