Các cơ quan nhân đạo quốc tế vẫn chưa thể đến được những ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Paktika, khu vực xa xôi nhất tại Afghanistan, nơi hứng chịu trận động đất kinh hoàng rạng sáng 22/6 gây thương vong lớn nhất ở nước nay trong hàng chục năm qua.
Số người chết dự kiến tiếp tục tăng, khi nhiều nạn nhân vẫn mắc kẹt dưới những ngôi nhà làm bằng gỗ, đất sét bị phá hủy hoàn toàn trong động đất. Các đội cứu trợ của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) có thể mất vài ngày nữa mới đến được khu vực bị ảnh hưởng, theo Anita Dullard, phát ngôn viên của ICRC ở châu Á Thái Bình Dương.
Shelley Thakral, người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ở Kabul, cho biết nỗ lực cứu trợ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết và đường sá khó khăn.
"Thách thức trước mắt mà chúng tôi phải đối mặt là về địa lý, hậu cần, vì khu vực bị động đất là vùng núi xa xôi, hiểm trở. Mưa lớn cộng với động đất đã gây ra lở đất ở một số khu vực, gây cản trở đi lại", Sam Mort, giám đốc truyền thông của UNICEF Afghanistan, cho hay.
Động đất xảy ra vào đúng đợt mưa lớn từ ngày 20-22/6, gây cản trở nỗ lực tìm kiếm cũng như hoạt động cất hạ cánh của trực thăng.
Nỗ lực cứu trợ ở Afghanistan cũng gặp nhiều khó khăn vì một số tổ chức quốc tế đã rút khỏi quốc gia này sau khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái. Những tổ chức còn phải dàn trải nhân lực trên khắp cả nước.
Hôm 22/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã huy động "tất cả nguồn lực" từ khắp cả nước, thành lập các nhóm cung cấp thuốc men và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một quan chức WHO thừa nhận nguồn lực đang quá tải, không chỉ ở Afghanistan, mà khắp cả khu vực.
Obaidullah Baheer, giảng viên về tư pháp tại Đại học Mỹ ở Afghanistan và là nhà sáng lập nhóm viện trợ Save Afghans from Hunger, cho rằng bộ máy quan liêu của Taliban khiến công tác điều phối cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc liên lạc với các tổ chức quốc tế.
"Những bất đồng chính trị đã tạo ra khoảng trống liên lạc, không chỉ giữa các quốc gia với Taliban, mà cả giữa các tổ chức viện trợ quốc tế với nhóm cầm quyền này", ông Baheer nói.
Baheer đã phải đứng ra hoạt động như một kênh liên lạc giữa WFP và các tổ chức cứu trợ khác, báo cho họ rằng Bộ Quốc phòng Afghanistan đang đề nghị vận chuyển hàng viện trợ bằng trực thăng từ các tổ chức nhân đạo tới vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khi các tổ chức quốc tế và Taliban gặp trở ngại trong liên lạc, nhiều người dân vùng động đất đã phải ngủ qua đêm tại các khu trú ẩn tạm thời ngoài trời, còn nhân viên cứu hộ nỗ lực đào bới bằng tay, tìm người sống sót xuyên đêm.
LHQ cho biết 2.000 ngôi nhà đã bị phá hủy trong động đất. Hình ảnh từ tỉnh Paktika cho thấy nhiều ngôi nhà biến thành đống đổ nát, những bức tường làm bằng đá và đất sét sập xuống, chôn vùi nạn nhân bên trong.
Hsiao-Wei Lee, phó giám đốc WFP tại Afghanistan, mô tả tình hình trên thực địa "rất ảm đạm", khi một số làng đã "bị san phẳng hoàn toàn hoặc đổ sập tới 70%". "Sẽ mất nhiều tháng và có thể là nhiều năm để xây dựng lại", bà Lee nói.
Dù khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan đã xuất hiện từ nhiều năm qua do xung đột và hạn hán, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Taliban tiếp quản quyền lực hồi tháng 8 năm ngoái. Sau khi Taliban lên nắm quyền, Mỹ và đồng minh đã đóng băng khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan và cắt đứt các nguồn viện trợ quốc tế.
Mỹ không còn hiện diện ở Afghanistan sau chiến dịch rút quân hỗn loạn. Giống hầu hết các quốc gia khác, Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với chính quyền Taliban.
Các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế Afghanistan và đẩy gần 20 triệu dân đối mặt nạn đói. Hàng triệu người Afghanistan không có việc làm, nhân viên chính phủ không được trả lương và giá lương thực tăng vọt.
Hàng cứu trợ nhân đạo không nằm trong danh sách bị Mỹ và phương Tây trừng phạt, nhưng tình hình ở Afghanistan đặt ra nhiều trở ngại cho hoạt động hỗ trợ nạn nhân, theo Martin Griffiths, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA). Ông Griffiths cho hay nhu cầu về ngân sách tài trợ rất lớn lớn, trong khi hệ thống ngân hàng chính thức của Afghanistan bị chặn giao dịch.
Điều này đồng nghĩa "khoảng 80% tổ chức cứu trợ quốc tế đang đối mặt với tình trạng chậm trễ trong giao dịch, với 2/3 báo cáo rằng các ngân hàng quốc tế của họ tiếp tục từ chối chuyển tiền. Hơn 60% tổ chức nói thiếu tiền mặt là một trong những trở ngại lớn nhất", ông cho hay.
Baheer, giảng viên về tư pháp tại Đại học Mỹ ở Afghanistan, nói các biện pháp trừng phạt gây tổn hại nhiều đến mức người dân Afghanistan cũng không thể chuyển tiền tới hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi động đất.
"Thực tế là chúng tôi hầu như không có hệ thống ngân hàng, không có tiền tệ mới được in hoặc đưa vào giao dịch trong 9-10 tháng qua và tài sản của chúng tôi bị đóng băng. Các biện pháp trừng phạt này không hiệu quả", ông Baheer chia sẻ. "Lệnh cấm vận chỉ có ý nghĩa khi nhắm vào cá nhân cụ thể, thay vì trừng phạt cả một quốc gia và dân tộc".
Các chuyên gia và quan chức Taliban cho biết nhu cầu cấp bách nhất hiện nay là chăm sóc y tế và vận chuyển người bị thương, cung cấp nơi trú ẩn và vật tư cho những người phải sơ tán.
Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết thực phẩm, lều, quần áo và vật tư khác đang được phân phối cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Các đội y tế và cứu trợ do chính quyền Taliban triển khai đã có mặt tại các khu vực bị động đất và cố gắng chuyển người bị thương đến cơ sở y tế bằng đường bộ và trực thăng.
LHQ cũng đã phân phối vật tư y tế và cử các đội hỗ trợ tới Afghanistan, nhưng cảnh báo họ không có khả năng tìm kiếm và cứu nạn.
Baheer nói Taliban chỉ có thể triển khai tối đa 6 trực thăng cứu nạn, bởi khi Mỹ rút quân, họ đã vô hiệu hóa hầu như tất cả máy bay ở Kabul.
Pakistan cũng đề nghị hỗ trợ bằng cách mở cửa khẩu biên giới ở tỉnh Khyber Pakhtunkwa và cho phép người Afghanistan bị thương tới nước này điều trị, theo Mohammad Ali Saif, phát ngôn viên chính quyền khu vực.
"400 người Afghanistan bị thương đã chuyển tới Pakistan điều trị và con số này tiếp tục tăng", Saif nói.
Pakistan đã siết chặt hạn chế qua lại biên giới với người Afghanistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền.
"Đây là những giải pháp chắp vá", ông Baheer nói về nỗ lực viện trợ Afghanistan sau động đất. "Chúng ta cần phải bắt đầu nghĩ về những giải pháp trung và dài hạn cho các vấn đề. Chúng ta sẽ làm gì nếu một thảm họa khác xảy ra trong thời gian tới?", ông nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)