Hạm đội 7 hải quân Mỹ thông báo khu trục hạm USS Benfold ngày 8/9 di chuyển trong khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm "khẳng định quyền tự do hàng hải". Trung Quốc chiếm đóng trái phép đá Vành Khăn cùng một số thực thể khác tại quần đảo Trường Sa, bồi đắp thành đảo nhân tạo, xây đường băng và triển khai khí tài tại đây.
"Tất cả hoạt động của chúng tôi đều phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm chứng minh rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bất kể yêu sách hàng hải phi lý đó nằm ở đâu, cũng như diễn biến tình hình hiện nay", thông cáo của hạm đội 7 hải quân Mỹ có đoạn.
Đây là lần thứ 7 chiến hạm Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm nay, phát ngôn viên hạm đội 7, đại úy Mark Langford cho biết. Lần gần nhất chiến hạm Mỹ đi áp sát quần đảo Trường Sa là vào tháng 2.
Hạm đội 7 của Mỹ cũng cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đang tổ chức diễn tập ở khu vực khác tại Biển Đông. Các nội dung diễn tập bao gồm triển khai máy bay cánh bằng và trực thăng, diễn tập tiến công trên biển, huấn luyện phối hợp chiến thuật giữa các đơn vị hải quân và không quân.
"Các hoạt động của tàu sân bay ở Biển Đông là một phần trong hiện diện thường trực của hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", hạm đội 7 cho biết. "Quyền tự do hàng hải của tất cả quốc gia trên vùng biển quốc tế là điều quan trọng, đặc biệt tại Biển Đông, nơi gần 1/3 lưu lượng thương mại hàng hải đi qua mỗi năm".
Các hoạt động của tàu chiến Mỹ trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa ban hành Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/9. Luật này có điều khoản quy định tàu thuyền nước ngoài đi vào "lãnh hải" Trung Quốc phải báo cáo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho cơ quan quản lý hàng hải nước này
Yêu cầu khai báo được áp dụng với tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt, các chất độc hại và những tàu được coi là mối đe dọa với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc.
John Supple, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm 1/9 tuyên bố Mỹ kiên định với lập trường "bất kỳ luật hay quy định hàng hải quốc gia nào cũng không được vi phạm quyền tự do hàng hải, hàng không mà tất cả các nước được hưởng theo luật quốc tế".
"Các tuyên bố chủ quyền biển phi pháp, trong đó có ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến các quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và thương mại hợp pháp không bị cản trở, quyền và lợi ích của các nước ở Biển Đông cũng như các quốc gia ven biển khác", Supple nhấn mạnh.
Mỹ gần đây điều tàu tới Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên hơn, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc leo thang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Nguyễn Tiến (Theo US Navy, Stars&Stripes)