Hầu hết lợi nhuận của vùng Đại Hồ Iowa, địa điểm nghỉ mát bao gồm các hồ tự nhiên phía tây bắc bang Iowa, Mỹ, đều được kiếm trong mùa hè. Năm nay, nền kinh tế địa phương buộc phải đóng cửa khoảng một tháng hồi mùa xuân, trong bối cảnh Covid-19 càn quét khắp đất nước.
Khu vực này ghi nhận 6 ca nhiễm nCoV tính đến ngày 1/5, thời điểm Thống đốc bang Iowa Kim Reynolds nối lại một phần hoạt động của các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và nhiều doanh nghiệp khác ở vùng nông thôn, như hạt Dickinson nơi vùng Đại Hồ tọa lạc. Số lượng xét nghiệm được tiến hành tại đây không đáng kể.
Tới lễ kỷ niệm Chiến sĩ Trận vong hôm 25/5, Dickinson cũng chỉ ghi nhận 8 ca nhiễm nCoV, trong khi dân số của hạt khoảng 17.000. Số lượng người tập trung tại đây có thể lên tới gần 100.000 vào mùa hè. Bất chấp những sự kiện lớn đã bị hủy, các khách sạn vẫn dần được lấp đầy khi du khách bắt đầu xuất hiện tại các hồ. Đến ngày 7/8, số ca nhiễm ở Dickinson đã lên tới 377 và ít nhất 6 người chết vì virus.
Sự lây lan nhanh chóng của nCoV tại vùng Đại Hồ Iowa có thể bắt nguồn từ dòng du khách không ngừng đổ tới từ những nơi như thành phố Sioux Falls ở bang Nam Dakota, Omaha ở Nebraska và Des Moines ở Iowa. Điểm nghỉ mát này vẫn có sức hút mạnh mẽ vào mùa hè bất chấp đại dịch. Nhiều người trẻ trong khu vực vẫn chen chúc trong các quán bar hay những con thuyền.
Bên cạnh đó, một trong những câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao việc đeo khẩu trang lại trở nên xa lạ tại Dickinson, bất chấp sự đồng thuận rộng rãi rằng biện pháp này giúp kiềm chế nCoV?
Hạt Dickinson phần lớn là người da trắng, chiếm tới 96%, hầu hết ủng hộ đảng Cộng hòa và hơn 2/3 theo Cơ đốc giáo. Theo nhà nhân chủng học y tế Emily Mendenhall, phó giáo sư tại Đại học Georgetown ở Washington, các đặc điểm của chủ nghĩa cá nhân Mỹ tại địa phương này áp đảo so với chủ nghĩa tập thể, thêm vào đó là tư tưởng sống tự lực.
Mendenhall cho biết bà đã đến vùng Đại Hồ Iowa để tìm hiểu tình hình đại dịch tại đây và phỏng vấn hơn 80 người. Nhiều người nói rằng họ "không sợ nCoV" hoặc bày tỏ lòng tin vào Chúa. "Nếu đã đến lúc tôi phải ra đi, Chúa sẽ mang tôi đi", một người trả lời.
Khẩu trang trở thành vật mang thông điệp chính trị, khi người dân tại Dickinson cho rằng đeo khẩu trang phản ánh quan điểm chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng nhiều lần từ chối đeo. Trong cuộc họp về tái mở các trường học hôm 3/8, nhiều thành viên hội đồng phụ trách vấn đề viện dẫn "sự tự do" và "lựa chọn cá nhân" khi đề cập tới quy định đeo khẩu trang tại trường.
Một thành viên hội đồng cho biết ông sẽ không "ra lệnh" cho những đứa trẻ bởi quyền tự do cá nhân quan trọng hơn. Tuy nhiên, cuộc họp trở nên gay gắt trước các ý kiến đối lập, như một người khác cho rằng nên bắt buộc học sinh trung học phổ thông đeo khẩu trang do lo ngại về an toàn quá lớn.
Tình trạng xung đột còn được cho là bắt nguồn từ việc thiếu sự hỗ trợ các biện pháp y tế cộng đồng tại địa phương, thể hiện rõ rệt qua "thảm họa" đại dịch lan rộng khắp vùng Trung Tây ở Mỹ. Ví dụ, các giám đốc học khu vẫn lên kế hoạch tái mở cửa trường học với rất ít biện pháp chống dịch an toàn, bất chấp các lãnh đạo y tế địa phương phản đối.
Ở cấp bang, Thống đốc Reynolds chưa bao giờ áp đặt lệnh phong tỏa quy mô toàn bang Iowa và chỉ đóng cửa hầu hết doanh nghiệp trong hơn một tháng. Theo phó giáo sư Mendenhall, điều này khiến một số chủ doanh nghiệp địa phương cho rằng mình được phép chống lại các biện pháp y tế cộng đồng, bao gồm đề nghị bệnh viện ngừng đăng video về Covid-19 lên mạng xã hội, bởi chúng làm tổn hại việc kinh doanh.
Mendenhall cho biết khi phỏng vấn cư dân về suy nghĩ của họ trước phản ứng với đại dịch của chính quyền, hầu hết nói rằng vì Iowa chưa từng phong tỏa toàn bang và vẫn mở cửa, nên họ cảm thấy không cần đeo khẩu trang. Chuyên gia này nhận định người dân địa phương cư xử như thể đại dịch đã trôi qua.
"Ai cũng nhiễm nCoV" là cái cớ phổ biến nhất mà Mendenhall nghe được khi phỏng vấn người dân về lý do họ không giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Một bồi bàn 21 tuổi thậm chí gọi biện pháp này là "vở kịch".
"Tôi thấy mọi người chạm vào mặt, kéo khẩu trang lên xuống để gọi đồ. Nhiều người khác nói rằng khẩu trang còn gây hại bởi chúng khiến bạn hấp thụ nhiều carbon dioxide hơn, trong khi điều này hoàn toàn sai. Đối với người dân tại đây, đeo khẩu trang biến họ thành kẻ ngốc", Mendenhall nói.
Richard Ashby, một du khách từ Texas, cho biết anh bị một nhóm thanh niên quấy rầy khi đeo khẩu trang bước vào một cửa hàng tiện lợi ở vùng Đại Hồ Iowa. Cũng chỉ có Ashby và vợ đeo khẩu trang trong cửa hàng đó.
Ở những địa điểm khác trong khu vực, nhân viên tại các chuỗi cửa hàng lớn như Walmart đã đeo khẩu trang liên tục suốt nhiều tháng. Một quản lý tại Menards, chuỗi cửa hàng bán đồ nâng cấp nhà cửa, cho biết họ được yêu cầu đeo khẩu trang từ tháng 3, nhưng thỉnh thoảng bị khách hàng gây phiền nhiễu.
Tháng trước, Walmart và Menards bắt buộc khách hàng trên toàn quốc đeo khẩu trang khi vào mua đồ, bất kể quy định của địa phương. Mendenhall cho biết một quan chức cấp cao địa phương nói với bà rằng ông đã tránh đến Walmart bởi yêu cầu của họ xâm phạm lựa chọn cá nhân của ông.
Theo Mendenhall, những tranh cãi về Covid-19 tại vùng Đại Hồ Iowa cũng phổ biến ở các địa phương khác, đặc biệt là vùng nông thôn Mỹ. Quan điểm về khẩu trang và giãn cách xã hội thậm chí gây ra hiềm khích giữa những người hàng xóm hay bạn bè.
"Nếu không có phản ứng thống nhất trên toàn bang hoặc quốc gia, những phản ứng chắp vá chúng ta đang tạo ra sẽ khiến nCoV lây lan, cướp đi sinh mạng những người thân yêu và gây rạn nứt trong cộng đồng", Mendenhall nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Vox)