Nhiều tháng đã trôi qua kể từ khi Covid-19 khởi phát, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, với gần 3,4 triệu người nhiễm và hơn 137.000 người chết. 4 ngày gần đây (tính đến 11/7), quốc gia này liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày vượt ngưỡng 60.000. Trong đó, ngày 10/7 ghi nhận ca nhiễm kỷ lục với gần 69.000, theo thống kê của Reuters.
Ngày 11/7, Mỹ ghi nhận thêm gần 62.000 người nhiễm nCoV, số ca nhiễm ngày 12/7 giảm một chút, xuống gần 56.000.
Hàng chục bang Mỹ chứng kiến đà tăng ca nhiễm nCoV trở lại, trong đó một số bang ghi nhận con số kỷ lục và phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa để hạn chế bệnh dịch lây lan.
Tại Florida, một trong những điểm nóng Covid-19 tại Mỹ, khoa điều trị tích cực của hơn 40 bệnh viện hết khả năng nhận thêm bệnh nhân Covid-19, khi số ca nhiễm tăng gần gấp đôi mỗi ngày.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cảnh báo Mỹ vẫn trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Ông khẳng định biểu đồ ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.
"Tôi không đồng tình với ông ấy", Trump hôm 7/7 trả lời khi được hỏi về bình luận của Fauci rằng Mỹ vẫn chìm trong đợt sóng Covid-19 đầu tiên. Trump cũng nhiều lần khẳng định rằng số ca nhiễm mới ở Mỹ tăng là do khả năng xét nghiệm tăng.
Sau nhiều tháng đánh giá thấp mối đe dọa của nCoV, Nhà Trắng đã thay đổi quan điểm, thúc giục người Mỹ đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người. Tuy nhiên, những thông điệp hỗn loạn về mức độ nghiêm trọng từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gây nhiều trở ngại cho cuộc chiến chống Covid-19 của Mỹ.
Các chuyên gia y tế cộng đồng nói cánh cửa hành động đang dần khép lại và nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn "sửa sai" trong cuộc chiến chống Covid-19, giới chức cần phải đưa ra các thông điệp nhất quán, rõ ràng.
"Họ nên thẳng thắn về những điều chúng ta còn chưa biết về nCoV, nhấn mạnh số phận của mỗi người gắn liền với tập thể và tập trung vào các biện pháp an toàn như che mặt khi ra ngoài, duy trình cách biệt cộng đồng và rửa tay thường xuyên", Dan Goldberg, biên tập viên của Politico, nhận định.
Stephen Collinson, bình luận viên của CNN, cũng nhận định đây là lúc Mỹ cần đoàn kết chống lại "kẻ thù vô hình". Nhưng "trong cuộc khủng hoảng được xem là tồi tệ nhất từ Thế chiến II, không có cảm giác nước Mỹ nỗ lực cùng nhau chiến đấu với kẻ thù chung".
Những nỗ lực để ngăn cản làn sóng gia tăng ca nhiễm nCoV ở các bang miền tây và nam nước Mỹ đã bị cản trở bởi quan điểm trái ngược giữa các thị trưởng Dân chủ, người muốn ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang, và các thống đốc Cộng hòa mong muốn sớm mở cửa nền kinh tế.
Các bang như Florida, Texas hay Arizona đã phớt lờ các cảnh báo khoa học và đẩy nhanh tiến trình mở cửa hoạt động kinh tế, quán bar, nhà hàng hay phòng gym. Cái giá Mỹ phải trả cho sự vội vàng đó là số ca nhiễm tăng vọt trong suốt nhiều ngày qua, theo Collinson.
Mỹ, quốc gia giàu có nhất thế giới, chỉ chiếm hơn 4% dân số toàn cầu, nhưng chiếm tới 1/4 số ca nhiễm và gần 1/4 số ca tử vong vì Covid-19. "Mỹ chỉ mất 99 ngày để chạm ngưỡng một triệu ca nhiễm nCoV, 43 ngày nữa để đạt mốc hai triệu và 28 ngày để tăng thêm một triệu ca nữa. Đó là tốc độ khủng khiếp", Collinson cho hay.
Giữa tháng 5, Mỹ báo cáo khoảng 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng nhiều ngày qua, con số này luôn vượt ngưỡng 60.000. Trong khi nhiều quốc gia từng là điểm nóng dịch Covid-19 của thế giới, như ở châu Âu và châu Á, đã "làm phẳng đường cong" dịch thành công và dần mở cửa nền kinh tế, Mỹ vẫn loay hoay với bài toán kiểm soát nCoV.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 30/6 công bố danh sách 15 nước được thực hiện chuyến bay tới khối này với mục đích giải trí hoặc kinh doanh từ ngày 1/7. Nhưng danh sách này không có Mỹ.
Tuy nhiên, Trump và nhiều quan chức cấp cao đều tin rằng Mỹ đang làm rất tốt trong cuộc chiến với Covid-19. "Chúng ta đã bị loại virus đến từ Trung Quốc tấn công. Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ. Chiến lược của chúng ta đang đi đúng hướng. Covid-19 đã hết ở một số khu vực, nhưng bùng phát ở một số nơi khác. Tuy nhiên, chúng ta đã học được nhiều thứ. Chúng ta học được cách để dập dịch", Tổng thống Mỹ nói trong bài phát biểu kỷ niệm quốc khánh Mỹ hôm 4/7.
"Dĩ nhiên, Mỹ vẫn là lãnh đạo thế giới trong đại dịch", Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận định.
Nhưng tiến sĩ Fauci không cùng quan điểm. "Khi bạn so sánh chúng tôi với quốc gia khác, tôi không nghĩ bạn có thể nói chúng tôi đang làm tốt. Ý tôi là chúng tôi đã không làm tốt", ông nói hôm 9/7.
Collinson cũng nhận định không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang làm tốt trong cuộc chiến với Covid-19. Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, hay Đức nhanh chóng kiểm soát các điểm nóng nhờ phong tỏa sớm, thực hiện cách biệt cộng đồng, đeo khẩu trang, mở cửa thận trọng, xét nghiệm rộng khắp và theo dõi lịch sử tiếp xúc.
"Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có năng lực làm điều tương tự. Chính quyền, đã chuyển bớt gánh nặng chống Covid-19 cho các bang, dường như không có mong muốn hoặc khả năng xây dựng một hệ thống tương tự", Collinson cho hay.
Tiến sĩ Peter Hotez, trưởng khoa y học nhiệt đới thuộc Trường Y Baylor, khẳng định chỉ có chính quyền vững mạnh mới đủ sức vạch ra con đường đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và giúp các bang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. "Chúng tôi đã thiếu sự lãnh đạo để biến điều đó thành hiện thực", Hotez nói.
Việc Trump không tin hay nghe theo lời khuyên từ các chuyên gia và cố vấn cũng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. "Nếu mọi người trong chính quyền nói tình hình không an toàn và chúng ta phải hành động...trong khi Tổng thống phớt lờ tất cả lời khuyên và làm theo ý ông ấy, tôi nghĩ đó là sai lầm của Tổng thống", Larry Hogan, thống đốc Maryland, nói.