Khoảng 8 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát và lan khắp toàn cầu, ngày càng nhiều chuyên gia y tế nhất trí rằng chiến lược chống virus hiệu quả nhất bao gồm: xét nghiệm đủ để phát hiện ca nhiễm mới, truy vết những người tiếp xúc với ca nhiễm và cách ly tất cả người nghi nhiễm trước khi họ có thể truyền nCoV cho cộng đồng. Nhưng tới nay, sau gần nửa năm hứng chịu sự tàn phá của Covid-19, Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng cho mình một chiến lược toàn diện với đầy đủ ba "vũ khí" trên.
Tại các bang chứng kiến ca nhiễm nCoV tăng vọt trở lại trong tháng trước, giới chức cho biết các ổ dịch quá lớn để có thể truy vết tất cả tiếp xúc của người nhiễm nCoV. Ngay cả khi số ca nhiễm giảm, họ cho rằng công nghệ lỗi thời và thiếu hụt nhân viên khiến việc truy vết ca nhiễm và ngăn các ổ dịch mới bùng phát gần như bất khả thi.
Nhân viên y tế tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm nCoV thấp cho biết tình hình dịch mới ở mức độ mà họ còn tự tin có đủ khả năng truy vết tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu tốc độ lây nhiễm gia tăng, họ lo phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho đã cố ngăn các đề xuất bổ sung ngân sách cho công tác xét nghiệm nCoV và truy vết lịch sử tiếp xúc, theo Dylan Scott, biên tập viên của Vox.
Ngoài ra, giới chức y tế cho biết quá trình trả kết quả xét nghiệm nCoV ở nhiều nơi của Mỹ mất một tuần hoặc lâu hơn. "Nếu không thể xét nghiệm và có kết quả nhanh, bạn sẽ để lỡ thời cơ vàng truy vết tiếp xúc. Bạn không thể thống kê số ca nhiễm theo thời gian thực. Đó là lý do khiến chúng tôi thất bại", David Harvey, giám đốc điều hành Liên minh Quốc gia về Bệnh lây qua đường tình dục, nói.
8,3% xét nghiệm nCoV trên khắp nước Mỹ cho kết quả dương tính. Các chuyên gia cho rằng giới chức y tế cộng đồng chỉ có thể tự tin theo dõi được hầu hết ca nhiễm nếu tỷ lệ này thấp hơn hoặc bằng 5%. Ngược lại, Mỹ sẽ đối mặt nguy cơ nCoV tiếp tục âm thầm lây lan và bùng phát các cụm dịch mới.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các bang là "điểm nóng" Covid-19 hiện nay. Tại Florida, tỷ lệ dương tính là 19% đã không thay đổi trong hai tuần qua. Texas ghi nhận mức thấp hơn là 12%, vẫn cao hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của chuyên gia, dù đã giảm nhẹ so với hai tuần trước. Các điểm nóng khác như Alabama, Arizona, Georgia và Nam Carolina đều ghi nhận tỷ lệ dương tính trrên 10%.
"Ngay cả khi theo dõi được mọi tiếp xúc dựa trên các ca dương tính đã được xác nhận, chúng tôi vẫn bỏ sót rất nhiều", Caitlin Wolfe, nghiên cứu sinh tiến sĩ về y tế cộng đồng, người thực hiện truy vết tiếp xúc ở bang Florida, cho hay. "Nếu không xét nghiệm đủ, chúng tôi không thể theo dõi toàn bộ lịch sử tiếp xúc".
Tuy nhiên, Scott nhận định số lượng xét nghiệm không phải là vấn đề duy nhất, bởi mất quá nhiều thời gian chờ kết quả xét nghiệm cũng là thách thức đối với công tác truy vết tiếp xúc. Các phòng thí nghiệm của Mỹ cần phải cải thiện khả năng trả kết quả xét nghiệm kịp thời.
Quest Diagnostics, một trong số công ty dịch vụ thí nghiệm lớn của Mỹ, nói trong một tuyên bố rằng "nhu cầu tăng cao liên tục đã gây áp lực cho khả năng xét nghiệm của chúng tôi và dẫn tới chậm trễ trả kết quả". Công ty này hiện trả hầu hết kết quả xét nghiệm trong vòng 7 ngày. Đối với bệnh nhân đã nhập viện hoặc người được ưu tiên, kết quả sẽ sớm hơn khoảng hai ngày. LabCorp, một cơ sở thí nghiệm lớn khác, cho biết có kết quả xét nghiệm trong vòng 2-3 ngày.
Cơ quan y tế cộng đồng ở Florida và Texas cho hay người xét nghiệm phải chờ tới 10 ngày để nhận kết quả. Tình trạng chậm trễ trả kết quả xét nghiệm ở các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã cho thấy thất bại của Mỹ về thiết lập chiến lược sàng lọc nCoV quốc gia.
Wolfe chia sẻ nhân viên theo dõi tiếp xúc ở Florida phải đợi một tuần hoặc lâu hơn để có kết quả. Trong khi ở Connecticut, nơi dịch hiện phần nào được kiểm soát, giới chức đang sử dụng bộ xét nghiệm cho kết quả chưa tới 15 phút. Giới chức ở Washington cũng cho biết đã giảm được thời gian chờ kết quả xét nghiệm.
"Chờ kết quả xét nghiệm là một vấn đề lớn", Phil Huang, giám đốc cơ quan y tế và dịch vụ nhân sinh hạt Dallas, bang Texas, nói. "Xét nghiệm sẽ không giúp ích được nhiều nếu phải đợi tới 8-10 ngày để có kết quả".
Huang cho biết cơ quan của ông đã yêu cầu chính phủ liên bang cung cấp vật tư y tế cần thiết để tự thực hiện xét nghiệm tại địa phương và có thể trả kết quả nhanh hơn, thay vì phụ thuộc vào Quest và LabCorp. Tuy nhiên, đến giờ, yêu cầu vẫn chưa được hồi đáp. "Chúng tôi đã yêu cầu từ nhiều tuần nay", ông nói.
Ngoài xét nghiệm, Covid-19 bùng phát quá rộng ở các bang Florida hay Texas cũng gây khó khăn cho công tác truy vết mọi lịch sử tiếp xúc có nguy cơ nhiễm. Thay vào đó, họ tập trung các cụm dịch có nguy cơ cao, như viện dưỡng lão và các nhà máy chế biến thực phẩm, trong khi chờ đợi số ca nhiễm giảm xuống mức có thể thực hiện theo dõi tiếp xúc toàn diện.
"Kế hoạch là đưa số ca nhiễm giảm xuống mức bạn có thể xoay xở. Sau đó, khi có ca mới xuất hiện, lập tức dập tắt nó. Nhưng vấn đề là hiện giờ số ca nhiễm của chúng tôi đang ở mức kỷ lục", Huang nói.
Cơ quan của Huang từng xây dựng kế hoạch truy vết tiếp xúc tương ứng với 200 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng 18 ngày qua, con số này luôn ở mức trên 1.000.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề của riêng Huang. Theo khảo sát của NPR tháng trước, hầu hết bang ở Mỹ không có đủ nhân viên truy vết nCoV theo nhu cầu thực tế. Các nhà nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins ước tính Mỹ cần tối thiểu 100.000 người làm công việc này, nhưng con số thực tế chưa tới 40.000.
Cơ quan y tế địa phương đang cố gắng tìm giải pháp khắc phục tình trạng này. Như tại Dallas, người nhiễm nCoV được gửi khảo sát trực tuyến về những người có thể từng tiếp xúc và điền thông tin vào tờ khai. Những người trong danh sách tiếp xúc này sẽ nhận được tin nhắn tự động yêu cầu tự cách ly và làm xét nghiệm nCoV. Huang cho biết khoảng 40% người nhiễm đã tham gia khảo sát và phần nào giảm bớt gánh nặng cho nhân viên theo dõi lịch sử tiếp xúc.
Một thách thức khác là một số người trong danh sách tiếp xúc gần với ca nhiễm tỏ ra bất hợp tác khi nhân viên chính phủ gọi và hỏi họ về thông tin cá nhân.
"Từng có người tôi gọi nói rằng 'làm thế nào bạn tìm thấy thông tin của tôi', 'tại sao chính quyền lại gọi tôi', 'tại sao chính phủ muốn nói chuyện với tôi'", Wolfe nói. "Mức độ mất tín nhiệm vào cơ quan chính phủ khá cao. Có nhiều người nói thế này 'tôi sẽ không cung cấp thông tin của tôi cho chính quyền'".
Một số chuyên gia y tế cho rằng thiếu vai trò lãnh đạo nhất quán của chính quyền trong đại dịch là nguyên nhân của vấn đề.
"Không có kế hoạch quốc gia mạnh mẽ, không có vai trò lãnh đạo của chính phủ trong xét nghiệm và truy vết lịch sử tiếp xúc, chúng tôi đã vấp phải nhiều phản đối trong quá trình làm việc tại một số cộng đồng. Nếu chính phủ của chúng tôi phát huy tốt vai trò lãnh đạo, rào cản đó có thể được phá bỏ", Harvey nói.
Yếu tố cuối cùng trong chiến lược ngăn Covid-19 là cách ly tập trung. Theo báo cáo của Scientific American, Hàn Quốc là một trong những quốc gia thực hiện rất tốt công việc này. Họ đã biến các cơ sở tư nhân hoặc công cộng thành khu cách ly. Người cách ly cũng thường xuyên được nhân viên y tế tới kiểm tra, cũng như có đầy đủ tiện nghi và dịch vụ, như giao đồ ăn, để đảm bảo có thể thực hiện cách ly dễ dàng.
Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, Mỹ khá chậm trễ trong vấn đề này. Nhiều địa phương ở Mỹ, như Dallas, gần đây đã bắt đầu thiết lập các cơ sở cách ly tương tự Hàn Quốc. Matt Golden, quan chức y tế hạt King ở bang Washington, cho biết đang làm việc với Safeway triển khai dịch vụ cung cấp hàng tạp hóa cho người cách ly.
Không thể phủ nhận Mỹ đã có nhiều cải thiện về khả năng xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc và cách ly kể từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, biên tập viên Scott cho rằng Mỹ vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi kết quả xét nghiệm vẫn chậm trễ và người dân hoài nghi về việc truy vết tiếp xúc ngăn Covid-19.
"Chúng tôi đang vừa bay vừa chế tạo máy bay. Có thể chúng tôi đã kịp làm kính chắn gió để thấy những gì phía trước, nhưng lại chưa làm được thân vỏ đầy đủ cho nó", Wolfe nói.
Thanh Tâm (Theo Vox)