Ở bài viết 'Khó định giá đất theo thị trường' nêu nội dụng rằng một số đại biểu quốc hội cho rằng bỏ khung giá đất là "đột phá tư duy" nhưng băn khoăn "thực tế rất khó" định giá theo thị trường. Sau bài viết, độc giả có nickname Vantungth cho rằng cần kiểm soát dòng tiền giao dịch và đánh thuế, thay vì đi tìm "giá thị trường":
Chẳng bao giờ và chẳng ai có thể đi tìm được cái gọi là giá thị trường của đất đai. Bởi ví dụ thực tế, hai mảnh đất kế nhau, cùng diện tích, một người chủ cần bán nhanh, một người không cần nhanh thì giá đã khác rồi.
Đó là tôi chưa nói giá cả còn phụ thuộc vào "độ thích" của người mua. Nó như việc kết hôn, đúng người đúng thời điểm chứ chưa hẳn là người phù hợp nhất. Chưa nói về sự biến động đến mức người trực tiếp mua bán còn không hình dung được giá thị trường là bao nhiêu.
Ngân hàng, trong thời kỳ giá cả bất động sản (BĐS) ổn định, định giá đất cũng không bằng giá thị trường mà chỉ cỡ 70% (đối với nhà đất, còn chung cư thì cao hơn).
Thời điểm biến động lớn như hiện nay, một người thử đi vay ngân hàng xem họ định giá được 50% giá thị trường đang rao bán (đối với nhà đất) không?
Các nước phát triển quản lý bằng dòng tiền của người mua bán. Họ quản lý bằng cách yêu cầu minh bạch nguồn thu chi, người dân cũng không giao dịch BĐS bằng tiền mặt. Vậy nên họ không cần phải vắt óc suy nghĩ xem giá trị giao dịch BĐS khai báo đạt bao nhiêu phần trăm so với giá thị trường. Kiểm soát giá BĐS không phải đi xác định giá giao dịch là bao nhiêu, mà cần kiểm soát được dòng tiền.
Một người tự dưng có khoản tiền lớn sẽ bị nghi ngờ. Tội trốn thuế bị phạt rất nặng, đó mới là gốc rễ của vấn đề kiểm soát giá giao dịch BĐS.
Đi điều tra, xác minh giá giao dịch là quản lý đằng ngọn kiểu chạy theo tàu cao tốc, kết quả sẽ chẳng bao giờ đạt được.
*Quan điểm của bạn thế nào?
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.