Sau khi đọc bài viết Thay đổi trong cách chuẩn bị nghỉ hưu của người Việt, tôi thấy bên dưới một số người bảo về hưu non là "lười nhác", "không cống hiến cho xã hội" nên tôi viết đôi dòng để chia sẻ thêm về vấn đề này.
Vợ chồng tôi hiện tại 46 tuổi, có một con đang học năm hai đại học. Về thu nhập, chúng tôi mua được một căn hộ ở quận 12, TP HCM. Mỗi tháng tổng thu nhập của hai vợ chồng gần 50 triệu đồng, trừ tiền nuôi con ăn uống, sinh hoạt ra thì để dành được hơn 10 triệu đồng.
Về tài sản, ngoài căn hộ và mảnh đất dưới quê, tài khoản tiết kiệm vài trăm triệu...Trải qua nhiều chuyện trong cuộc sống, chúng tôi quyết định năm 55 tuổi sẽ về hưu, dù lúc đó có một, hai hoặc thậm chí không tích đủ tỷ đồng nào thì chúng tôi vẫn sẽ về hưu.
>> Nghỉ hưu - an dưỡng hay tiếp tục kiếm tiền?
Tôi không nghĩ đợi đến khi có vài cái nhà cho thuê hoặc một sân thượng 300 m2 mới về hưu được. Hiện tại hai vợ chồng tôi sẽ nuôi con học xong đại học và đang tạo dựng hai nguồn thu nhập thụ động khác để khi nghỉ hưu, mỗi tháng vẫn có tiền, dù 5, 10,20 triệu chúng tôi cũng hài lòng.
Một số bạn nói về hưu sớm là không cống hiến cho xã hội? Tôi đã nuôi con, đóng góp cho xã hội một lao động với trình độ cử nhân. Tôi vẫn đóng thuế thu nhập, đi mua hàng đóng thuế VAT, tiêu xài sinh hoạt hàng ngày cũng là góp phần trao đổi thương mại rồi.
Mỗi người có một nhiệm vụ, mưu cầu riêng, đâu phải ai cũng có khả năng và năng lực để đóng góp điều gì đó to tát hơn? Theo tôi, khi đã chủ động được cuộc sống, không nhờ vả, gây phiền phức đến ai, không nhận hỗ trợ xã hội, nuôi con cái ngoan ngoãn, không vi phạm pháp luật cũng là đã đóng góp cho xã hội.
Nhiều bạn nói ở Nhật, họ vẫn làm việc tuổi già, vẫn hăng say? Nhưng mặt trái do xã hội Nhật đang bị già hoá dân số, người dân sống quá nề nếp, chỉnh chu nên lúc nào cũng căng thẳng, tỷ lệ tự sát ở Nhật cao, giới trẻ Nhật nhiều người sống khép kín, không ra khỏi nhà... đó thôi.
Thay vì nói người Nhật làm việc đến già, hãy hỏi vì sao nhiều người Việt bây giờ muốn về hưu sớm? Theo tôi có mấy nguyên nhân chính:
Thứ nhất, tuổi thọ người Việt có tăng cao, nhưng số năm sống vui, khoẻ rất ít. Ngay như trường hợp gia đình tôi, anh trai tôi 62 tuổi đã đột qụy, may mắn không mất nhưng bây giờ nằm liệt. Nhà có của cải, con cái chăm sóc đầy đủ nhưng như vậy thì chưa kịp hưởng thụ đã phải gắn liền với bệnh tật.
>> Tuổi 40 bất an chỉ sống nhờ tiền lương
Thứ hai, khi sống ở thành thị, dù công việc bàn giấy hay làm công nhân, mỗi ngày làm việc 8 tiếng. Về đến nhà ăn uống, ngủ nghỉ. Con cái lúc nhỏ thì học hành suốt ngày. Vòng lặp đó lặp đi lặp lại mấy chục năm. Thời gian dành cho người thân thực sự quá ít. Tôi và nhiều người khác muốn từ ngay lúc còn khoẻ, còn minh mẫn có nhiều thời gian ở bên gia đình hơn.
Thứ ba, thường tuổi sau 50, sức khoẻ đã xuống dốc, tinh thần làm việc cũng không trong thế chủ động được nữa. Trừ những người say mê công việc, làm quản lý cấp cao thì họ khó buông bỏ. Còn tôi tự nguyện dành chỗ cho những người trẻ khác, năng động và sáng tạo hơn. Nhận thức được mấy điều trên, nên đến khi 55 tuổi, dù không có tỷ đồng nào như nhiều bạn nói, tôi và vợ vẫn sẽ nghỉ hưu, để có nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Dũng AQ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.