Tại buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp", ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP HCM - nói về sáng kiến trạm y tế lưu động và cho rằng mô hình này hay, phần nào hỗ trợ các bệnh viện dã chiến không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị F0.
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tự lập y tế tại chỗ và có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Theo ông Chánh phương, sau một tháng nới lỏng giãn cách, qua sàng lọc triệu chứng và xét nghiệm định kỳ, nhiều đơn vị phát hiện F0. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, người lao động và địa phương đã bình tĩnh xử trí tình huống, không hoang mang như trước.
Hiện vẫn còn nhiều đơn vị áp dụng khu cách ly tại nhà máy, công xưởng để nhân viên ở lại, tránh lây lan dịch cho người thân lẫn xóm trọ của họ. Không ít công ty bố trí nơi điều trị F0, trường hợp bệnh nhân trở nặng, họ lập tức liên hệ cơ sở y tế địa phương.
Từ những thông tin trên, ông Chánh Phương mong các diễn giả tại sự kiện giải đáp thắc mắc về tính chính danh của khu điều trị F0 tại doanh nghiệp? Mỗi đơn vị, ngành nghề khác nhau nên có lối ứng xử và đầu tư khu chữa trị Covid-19 ra sao? Có thực sự cần thiết mở khu điều trị F0 hay không?
Trước phần trình bày của Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP HCM, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) - cho biết yên tâm và mừng các doanh nghiệp ngành gỗ có thể phát hiện ca nhiễm, tự xử lý các F0 ngay tại đơn vị mình.
"Tôi cho rằng không cần thiết phải thành lập khu điều trị F0", Tiến sĩ Thu Anh nói. Thay vào đó tập trung nâng cao năng lực phòng, chống dịch. Nhân viên y tế của công ty cần hướng dẫn từng cá nhân cách giữ gìn vệ sinh chung, tuân thủ các quy tắc của Bộ Y tế, đảm bảo môi trường sản xuất luôn thông thoáng, an toàn...
Với các địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao, chuyên gia nói tâm lý người lao động chủ quan là nỗi lo thường trực. Cần phải có người nhắc nhở họ duy trì đeo khẩu trang, không tập trung nơi đông người... Nội dung công việc kể trên không yêu cầu nhân sự quá giỏi, mà chỉ cần người có trách nhiệm, chuyên cần, có khả năng truyền đạt thông tin dễ hiểu bằng nhiều hình thức, sao cho cán bộ, công nhân viên dễ tiếp thu nhất có thể.
Trường hợp công nhân trở thành F0, chuyên gia Thu Anh nhấn mạnh khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine, tỷ lệ trở nặng rất thấp (khoảng10-20%) và trong số đó, khả năng phải thở máy không cao. Dù vậy, phòng y tế trong doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ của mình: cần xác định đúng giai đoạn nhân sự nhiễm nCoV bằng cách đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) và hỏi kỹ họ các triệu chứng có nguy cơ trở nặng. Những việc này rất đơn giản, doanh nghiệp có thể theo dõi các video hướng dẫn cụ thể Bộ Y tế đã ban hành.
Về thắc mắc tính chính danh của khu điều trị Covid-19 trong doanh nghiệp, Tiến sĩ Thu Anh chỉ ra các đơn vị có sẵn bác sĩ kê đơn, có thể chữa trị bệnh nhân F0 bằng gói thuốc B. Tuy nhiên với doanh nghiệp không có bác sĩ, cần điều trị bằng gói thuốc A (thuốc làm giảm triệu chứng rất đơn giản).
"Nhưng nếu chuyển sang gói thuốc B mà không có bác sĩ, chúng ta không nên điều trị tại doanh nghiệp bởi đó là thuốc cần được kê đơn. Các doanh nghiệp có thể liên kết với phòng khám tư nhân hoặc trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện xử trí những công việc này", bác sĩ nói. Trường hợp bệnh nặng, cần lâp tức chuyển đến cơ sở y tế điều trị F0.
Sắp tới, doanh nghiệp cần phải sao sát, quan tâm người thân của công nhân hơn nữa (bố, mẹ, ông, bà...) bởi nếu người trong gia đình nhiễm nCoV nặng, cán bộ, công nhân viên sẽ lo lắng, khó vững tâm làm việc. Thậm chí khi bố mẹ bị bệnh, họ có thể phải nghỉ việc để về quê chăm sóc. Lúc này, các công ty sản xuất cần có những chương trình hỗ trợ toàn diện, đảm bảo gia đình người lao động khỏe mạnh, để họ yên tâm công tác.
PGS, TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - cũng nói kỹ về thủ tục hành chính khi doanh nghiệp muốn thiết lập trạm y tế, khám chữa bệnh và kê đơn ngay tại công ty.
Theo đó, doanh nghiệp cần đề xuất ý định mở khu điều trị Covid-19 ngay tại công ty và có sự đồng ý của trung tâm y tế, đơn vị trực thuộc y tế quận, huyện. Bác sĩ phải có giấy phép hành nghề mới được kê đơn thuốc.
"Trường hợp chưa có giấy phép hành nghề, phải có bác sĩ làm bán thời gian. Trong doanh nghiệp, bác sĩ đó phải chịu trách nhiệm chuyên môn, khi đó mới có tính chính danh như luật khám chữa bệnh đã quy định rất rõ", PGS, TS Phạm Đức Mạnh nói thêm.
Hiếu Châu