Trong dòng sự kiện về những khó khăn trong cuộc sống mà dịch Covid-19 đã gây ra, tối qua tôi bắt gặp một câu hỏi chia sẻ trên mạng. Người hỏi trình bày rằng mới mở một cơ sở kinh doanh, được vài tháng thì dịch ập tới.
Anh ta chấp nhận mất trắng số tiền đã đầu tư vào kinh doanh mà chưa thu hồi được. Nhưng có một khó khăn đó là còn thiếu nhân viên cả trăm triệu đồng tiền lương mấy tháng chưa trả. Cuộc sống hiện tại cũng rất khó khăn. Nhân viên càng khó khăn hơn, có người không còn nổi 100 nghìn đồng.
Những nhân viên này ngày nào cũng gọi điện để đòi lương. Ban đầu anh ấy còn ra sức trấn an, thuyết phục, trình bày hoàn cảnh và hứa khi tình hình ổn định, có doanh thu sẽ trả lương chứ không phải quỵt luôn.
Nhưng ngày nào cũng bắt máy mấy chục cuốc điện thoại khiến anh ấy stress. Câu hỏi đặt ra là anh ấy có nên khóa điện thoại để bớt căng thẳng không? Sau dịch sẽ gọi điện giải thích và mời nhân viên đi làm lại rồi thanh toán hết tiền lương đang nợ.
Với hình tình dịch hơn hai tháng nay, các chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tác động rất lớn. Tôi tin rằng câu chuyện này không chỉ là của riêng anh sếp kia, mà đang có rất nhiều những cơ sở kinh doanh, công ty quy mô vừa, nhỏ đang gặp muôn trùng khó khăn bủa vây, thậm chí rơi vào tình cảnh phá sản, nợ lương nhân viên như vừa kể.
Trong rất nhiều bình luận để lại, tôi thấy có nhiều người so sánh rằng anh chủ kia ít ra còn có công ty để phá sản. Thật tội nghiệp những người nhân viên làm công ăn lương không có đồng nào giữa tình hình này. Tôi nghĩ nói như vậy cũng là một sự bất công. Bởi trong lúc này, so sánh ai khổ ai sướng hơn ai cũng là rất ấu trĩ. Người nào cũng có cái khổ riêng cả.
Anh chàng kia vốn liếng dành dụm khởi nghiệp đã mất, lâm vào cảnh nợ. Sau dịch lại còn tính đến kế hoạch giải quyết đống nợ ngổn ngang, tạo dựng lại từ đầu. Tôi tin là anh ấy chưa có đêm nào ngon giấc kể từ đầu mùa dịch đến giờ.
Nhưng theo tôi, không nên và không được phép khoá điện thoại, trốn tránh những cuộc gọi đòi lương của nhân viên. Vì dù sau này có giải thích thế nào đi nữa, thì một khi tắt điện thoại, có nghĩa là cũng đã đánh rơi luôn chữ tín của bản thân. Trong kinh doanh nói riêng và trong cuộc sống nói chung, chữ tín phải được đặt lên hàng đầu.
Bạn là chủ, bạn có áp lực của bạn. Nhưng ở phía người nhân viên, bạn là niềm hy vọng. Họ nghĩ sẽ được trả lương, nhận được một ít tiền để giúp gia đình vượt qua khó khăn. Nhưng thay vì tiếp tục giải thích, trấn an hoặc tìm cách giảm khó khăn cho họ, bạn lại tắt máy thì rất là đáng trách.
Cường Huế
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.