Xem những hình ảnh ùn tắc ở chốt kiểm soát ra vào quận Gò Vấp (TP HCM) sáng nay, nếu không được chú thích trước, tôi cứ ngỡ đó là hình ảnh kẹt xe, tắc đường dịp Tết Nguyên đán hay dịp nghỉ lễ nào đó.
Nhưng những hình ảnh này lại diễn ra vào ngày thứ tư giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 16. Nhiều người xem xong ngỡ ngàng, ngơ ngác và sốc. Xong, trong đầu lại có nhiều câu hỏi, mà câu hỏi to bự nhất là: Chỉ thị 16 có tác dụng như thế nào khi tình cảnh này xảy ra và tái diễn?
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra ùn tắc ở các trạm kiểm soát. Hồi đầu tháng sáu, khi giãn cách toàn quận Gò Vấp theo chỉ thị 16, cũng đã xảy ra tình cảnh này. Rồi những sự vụ như tập trung đông người tại sân vận động Phú Thọ, chợ đầu mối Bình Điền vẫn còn hiển hiện trước mắt, như những bài học lớn về giãn cách.
Trong khi một số người dân cố thủ trong nhà, một số doanh nghiệp, công ty cho nhân viên làm việc tại nhà hoặc nghỉ hẳn 15 ngày để chống dịch, thì lại ùn tắc kéo tài cả cây số. Nhỡ có một ca dương tính, thì công sức, sự chấp hành nghiêm chỉnh của nhiều người sẽ đi về đâu?
Tôi nghĩ qua mấy lần giãn cách theo chỉ thị 19, 10 rồi 16 bây giờ. Theo chỉ thị 16, một số công ty thiết yếu được phép hoạt động, kéo theo lượng người tập trung đông đúc ở các khu xét nghiệm, rồi một số công ty vẫn bắt buộc nhân viên tới văn phòng... như vậy là chưa triệt để.
Có lẽ, chúng ta cần một biện pháp, quy trình giãn cách khoa học hơn. Như tập trung nhân viên ăn ngủ tại công ty theo ca 7 ngày để hạn chế đi lại. Nếu không làm được thì công ty ngừng hoạt động. Trong khi biết bao công nhân phải dựng lều, trại ở lại nhà máy, xí nghiệp thì hàng đống người cứ đi đi về về giữa thời gian giãn cách thì quả thực không biết bao giờ mới hết dịch?
Quang Hưng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.