"Sếp giao việc không liên quan, tôi có nên làm?", nhiều độc giả VnExpress cho rằng việc nhất quyết từ chối làm việc không đúng chuyên môn là sai lầm:
Đó là kỹ năng mềm. Bạn làm nhiều sẽ biết thêm nhiều. Đừng chăm chăm làm mỗi việc của mình. Không có ai leo lên được chức Tổng giám đốc mà không biết về bán hàng, tài chính, kỹ thuật cả. Chưa kể, sau này, có những công ty nhỏ hơn tuyển bạn về làm Giám đốc, bạn sẽ hơn các ứng viên khác vì có nhiều kinh nghiệm ở các mảng khác nhau. Tôi cũng học kỹ thuật, và giờ đang ngồi ghế Giám đốc nhân sự, tôi vẫn cảm thấy khá hài lòng.
Khi còn làm thuê, tôi luôn làm tất cả các việc sếp giao, kể cả những việc không tên một cách vui vẻ và đi học nâng cao kiến thức ở nhiều nơi. Nhờ vậy, tôi đã nhận được những mối quan hệ tốt, những giúp đỡ không tên, những kiến thức và kỹ năng mà khi học đại học có mơ cũng chẳng có.
Bạn muốn làm việc theo một chuyên môn cụ thể thì chỉ có làm ở các công ty lớn, có cấu trúc phòng ban rõ ràng. Còn ở những công ty nhỏ, nhất là giai đoạn mới thành lập, cơ bản ai rảnh chỗ nào sẽ làm chỗ nấy, không tránh được. Bạn chưa làm sao biết làm không làm được? Những nhân sự toàn năng rất quý giá. Bạn đừng nghĩ là đang làm cho sếp, mà hãy tích cực năng nổ, tận dụng cơ hội để học hỏi thêm kiến thức và gia tăng kinh nghiệm cho bản thân ở tất cả các mảng vận hành của một công ty. Sau này, bạn sẽ thấy những kiến thức này rất quý giá, cho dù "đi ăn máng" khác cũng dễ dàng và các công ty sẽ trải thảm đón bạn.
>> Sếp trả lương 3 triệu đồng nhưng bắt tôi làm như người giúp việc
Trong công ty, sếp thường ghét nhất là những nhân viên bo bo giữ mình, chỉ muốn làm đúng việc, nhận đủ lương, làm đúng giờ về là xong. Như vậy, bạn sẽ mãi mãi là một nhân viên quèn. Không khác gì bạn chưa làm mà tự đánh bại bản thân.
Hãy nhân cơ hội này mà học tập và phát triển. Quá cứng nhắc thì sẽ tự đào thải chính mình thôi. Cứ loay hoay cho tới già bạn cũng sẽ mãi không thành công. Tôi là kỹ sư IT mà giờ đang làm an toàn lao động kiêm bảo hiểm. Dù tự phải mò học trên mạng, người đi trước..., tôi vẫn cứ làm, sai tới đâu sửa tới đó. Cũng chẳng ai trách khi bạn đang làm việc không đúng chuyên môn. Người ta chỉ trách bạn quá thụ động, không phát triển mà thôi.
Làm nhiều biết nhiều, không thiệt đâu cả. Bản thân tôi học luật, ra trường làm công ty luật gia đình. Nhưng ngoài việc làm án, sếp còn yêu cầu tôi làm nhân sự, tuyển dụng, kế toán, đấu giá, thẩm định, shipper... Mới đầu, tôi cũng có suy nghĩ là mình học luật, sao lại làm những công việc nhiều vậy? Nhưng qua thời gian, tôi thấy những việc như vậy khiến mình có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm. Đó là vì sếp tin tưởng nên mới cho tôi làm nhiều việc hơn để lấy kinh nghiệm. Trong ba năm làm ở đấy, tôi học được rất là nhiều và đến khi "dứt áo ra đi" tôi thấy rất tự tin vào khả năng của mình. Trời không phụ lòng người chăm chỉ và cố gắng. Những nỗ lực ấy đã làm nên tôi của hiện tại, thu nhập cao gấp bốn lần, làm công việc mình yêu thích, giúp đỡ được nhiều bạn bè, người thân xung quanh.
>>Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.