Tôi năm nay 37 tuổi, sống và làm việc tại Sài Gòn, công việc và thu nhập đều khá. Qua một lần hôn nhân đổ vỡ và chưa kịp có con, tôi quyết định không đi thêm bước nào nữa vì quá mệt mỏi hôn nhân. Gia đình tôi có bốn anh chị em, tôi là con thứ ba, trên tôi có một chị một anh, dưới là đứa em trai út.
Tôi có hai đám bạn, cũng là vài người độc thân, một ở công ty và một là nhóm bạn đại học. Tôi nhận thấy, người chủ động sống độc thân, thường là những người cá tính và biết hoạch định kế hoạch rõ ràng. Sống hôm nay nhưng biết ngày mai, ngày mốt mình sẽ làm gì.
Ngoài việc bị nhiều người coi là "lập dị", "không giống ai" chúng tôi còn có một nỗi bực mình rất to bự là những anh chị em, thậm chí cha mẹ trong gia đình xem như là một cây ATM, có thể lúc nào cũng rút được tiền.
Chính vì lựa chọn sống độc thân, nghĩa là sau này khi về già sẽ phải tự lo cho cuộc sống của mình. Nên chúng tôi thường tích luỹ, làm ăn, tiết kiệm, và đặc biệt là do không tốn tiền nuôi con nên chúng tôi thường có dư giả hơn những người khác trong gia đình. Và đây chính là cái cớ biến những người độc thân thành máy ATM.
"Chị khổ quá, thằng X vừa mới thua bóng, chuyển cho chị mượn 5 triệu gấp" - lời nhắn của chị tôi. Chị tôi có đứa con trai chuyên cá độ banh bóng và bất lực không dạy nổi. Nhưng tiền bạc cứ nhè tôi ra mà lấy. Ít thì dăm triệu, nhiều thì chục triệu. Nếu tôi cương quyết không cho, chị sẽ mách bố mẹ và ông bà sẽ giảng cho tôi một tràng đạo nghĩa: "Chị mày nuôi đàn con khó khăn, cho nó mượn tiền đi, mai mốt con cháu nó nhớ ơn nó nuôi lại lúc già". Thấy chị khóc lóc, bố mẹ nói ra nói vào, tôi cũng chuyển tiền cho êm chuyện.
Nhưng có điều nực cười là với một người ham cá độ banh bóng hết lần này đến lần khác thì vợ con, cha mẹ còn chưa chắc đã nuôi, huống gì một bà dì?
Thấy tôi chìa tin nhắn bà chị mượn tiền, bạn tôi thốt lên: "Dù biết là sẽ không trả nhưng dùng từ mượn cũng là an ủi. Còn đám con cháu, anh chị của tớ thì nhắn tin xin thẳng thừng. Làm lơ không trả lời tin nhắn thì gọi điện tới tắp".
Rồi với cái lý lẽ: "Mày không lấy chồng thì tiền để làm gì, giúp em nó đi". "Đã sống quạnh quẽ rồi mà còn giữ tiền khư khư, sau này già yếu con cháu nó bỏ mặc cho", bạn tôi cười: "Giữ tiền khư khư để đề phòng cho tuổi già không có ai chăm mà cứ bảo không cho mượn tiền thì tương lai con cháu không chăm. Giờ bung tiền đưa cho con cháu, anh em thì có nguy cơ vừa bị bỏ mặc, vừa mất tiền".
Hà Lương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.