Ngày 29/11, bác sĩ Nguyễn Minh Luân, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo như trên trong bối cảnh Bình Định ghi nhận 9 ca mắc chủng cúm A/H1N1 một tháng qua, trong đó 4 người tử vong.
Cúm A/H1N1 là một trong những bệnh cúm mùa, lưu hành thường niên trong cộng đồng. Thông thường, người mắc cúm A/H1N1 có thể hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị, nhưng cũng có trường hợp nhập viện với biến chứng nặng, tiến triển nhanh, gây viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Có ba lý do khiến bệnh trở nặng: cơ chế tấn công sâu vào tế bào phổi của chủng virus A/H1N1, điều trị sai cách và người mắc bệnh thuộc nhóm suy giảm miễn dịch như có bệnh nền, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người từng mắc Covid-19 có hệ hô hấp yếu...
"Chủng virus A/H1N1 tấn công sâu vào tế bào phổi, nguy hiểm với người có hệ miễn dịch suy yếu, gây viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong khi không được điều trị kịp thời", bác sĩ Luân giải thích.
Một số trường hợp mắc cúm trở nặng do xuất hiện "cơn bão cytokine" khi nhiễm cúm. Đây là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng quá mức với virus, giải phóng ồ ạt các cytokine gây viêm. Lượng cytokine dư thừa này tấn công virus đồng thời tổn thương các mô khỏe mạnh, dẫn đến viêm nhiễm lan rộng, suy đa tạng, tử vong. Viêm là cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể, tuy nhiên, khi quá mức, nó lại trở thành "con dao hai lưỡi", gây tổn thương tế bào lành, điển hình là tổn thương phổi, suy đa tạng.
Ngoài ra, khi nhiễm cúm, hệ miễn dịch suy yếu, niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, dẫn đến bệnh nhân dễ bội nhiễm thêm các loại virus, vi khuẩn khác, tăng nặng thêm tình trạng bệnh. Các tác nhân vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Haemophilus influenzae. Ví dụ, niêm mạc tổn thương của người mắc cúm mở đường cho vi khuẩn phế cầu thường trú sẵn ở vùng hầu họng. Phế cầu khuẩn xâm lấn gây viêm phổi, khiến người bệnh tăng nguy cơ nhập viện và tử vong.
Bệnh cúm có thể kéo dài và trở nặng hơn khi người bệnh sức khỏe yếu, do sinh hoạt kém lành mạnh. Ví dụ, bệnh nhân không giữ vệ sinh cơ thể, ăn uống không đủ chất, làm việc quá sức, tự ý dùng thuốc có thể gây quá liều, ngộ độc, việc điều trị cúm khó khăn hơn.
Một số bệnh nhân cho rằng các dấu hiệu sốt, nhức đầu là bệnh cảm thông thường, tự ra tiệm thuốc để mua thuốc uống. Bác sĩ Luân khuyến cáo kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus cúm. Ngược lại, lạm dụng kháng sinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí làm tăng nguy cơ biến chứng và đề kháng thuốc.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus, sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Cúm A/H1N1 có nhiều triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, viêm họng, nhức đầu, tiêu chảy, nôn ói... Khi trở nặng, bệnh nhân bứt rứt, khó chịu hoặc lừ đừ, ngủ lịm, gọi không trả lời, co giật, bất tỉnh, thở nhanh, rút lõm phần dưới lồng ngực khi hít vào, thở rít khi nằm yên, môi nhợt nhạt, tím tái... Nếu có một trong các triệu chứng nói trên, người bệnh cần đến bệnh viện sớm.
Bác sĩ Luân khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh cúm như thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà phòng tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật, đến nơi công cộng. Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, mở cửa sổ thông thoáng. Nâng cao sức khỏe bản thân thông qua tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
"Tiêm phòng là cách ngừa cúm hiệu quả nhất hiện nay", bác sĩ Luân nói, thêm rằng vaccine giúp bảo vệ cơ thể trước bốn chủng cúm phổ biến như A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata, B/Victoria. Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi và chưa từng tiêm vaccine cúm cần tiêm hai mũi cơ bản, cách nhau tối thiểu một tháng. Người từ 9 tuổi trở lên và người lớn tiêm một mũi.
Vaccine cần tiêm nhắc lại hàng năm để phòng những chủng cúm mới lưu hành và thay đổi theo từng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Vaccine cúm có hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng. Các nghiên cứu cho thấy ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vaccine giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm cúm giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Văn Hà