'Một kg vàng khoảng 1,4 tỷ đồng, một mắt lan đột biến có khi được bán với giá bằng một kg vàng. Vàng là kim loại quý có giới hạn, hiện nay khó khai thác và là tài sản lưu trữ của các quốc gia, vậy mà phải mấy chục kg vàng mới đổi được một kg phong lan.
Trong khi đó, một cây lan đột biến có thể cắt mỗi mắt một đốt và ươm trong vài tháng, thế là bạn đã có cả chục giò lan. Cứ thế nhân lên, chưa kể đến việc có thể sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra cây lan đột biến. Đột biến như vậy tôi thấy muốn mua giống của loại nào cũng có.
Thế nhưng nhiều người vẫn đổ tiền, cắm nhà, cắm đất bỏ tiền tỷ đầu tư lan. Thật không thể hiểu được?'.
Độc giả Nguyễn Đại đưa ra so sánh trên trước hiện tượng giao dịch, kinh doanh hoa "lan đột biến" tiền tỷ trên khắp cả nước. Các giao dịch này thường được livestreams rầm rộ và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến nhiều người sửng sốt.
Câu hỏi chung là tại sao lan đột biến đắt khủng khiếp như vậy? Độc giả nickname play fair: 'Giá trị của loài hoa này là ở chỗ nào để tương xứng với các mức giá giao dịch tiền tỷ, khiến bây giờ nhiều người trồng lan đột biến, trong đó có bạn tôi'.
Giải đáp câu trả lời trên, một đại diện Cục trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phat triển nông thôn nhận định: "Giao dịch lan đột biến được cho lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ thời gian qua mang tính dân sự thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý không thể yêu cầu một giống hoa chỉ được bán với mức giá nào đó", ông Cường nói.
Tuy nhiên, ông nêu rõ lan đột biến hoàn toàn có thể nhân nuôi bằng biện pháp bình thường hoặc áp dụng khoa học công nghệ như nhân nuôi trong ống nghiệm. Do đó cây không mang tính chất độc bản, duy nhất.
Trước tình trạng nhiều người đổ xô trồng và rủ rê bạn bè, người thân buôn "lan đột biến", độc giả độc giả Khoa bình luận: "Nhìn những thú vui tiền tỷ của đại gia, người dân cố đua theo ôm mộng đổi đời mà tôi buồn quá. Trong khi các quốc gia lập nghiệp thành công và giàu mạnh hiện nay như Nhật, Hàn, Israel.. có nền móng là ngành luyện kim, chế tạo máy móc, cơ khí, công cụ sản xuất (nông-lâm-ngư nghiệp)".
Những hệ lụy kèm theo thú chơi tiền tỷ này có thể là các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong những giao dịch tiền tỷ đang được livestream rầm rộ có bao nhiêu phần trăm sự thật? Trong những người tham gia có bao nhiêu là 'ông trùm', bao nhiêu là những con thiêu thân đang mờ mắt trước 'hào quang' quang những giò lan bé xíu thậm chí chẳng có nổi một bông hoa? Hệ lụy xã hội từ những giò lan này là gì?
"Lan đột biến có thể là một "barem" lừa quen thuộc từ bao lâu đã làm bao nhiêu gia đình vỡ mộng như đa cấp, bảo hiểm, bất động sản, hoàn tiền, tiền số. Một khúc cây không tạo ra giá trị gì đối với con người, cuộc sống, xã hội mà có thể mua tiền tỷ là sao? Bỏ tiền tỷ mua khúc cây về ngắm và không cần phải lao động gì thêm nữa? Hãy tỉnh trước khi quá muộn". ( Bảo Đại Gia)
Hữu Nghị tổng hợp
>>Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.