Trong thời gian qua, các mô hình đa cấp lừa đảo liên tục bị vạch trần và mọi người ngã ngửa khi biết số lượng nạn nhân bị lừa lớn đến như vậy. Nghịch lý là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, mọi người ai cũng than thở túng thiếu tiền bạc thì số tiền ném vào đa cấp lừa đảo dường như lại tăng lên. Vậy thực sự nguyên nhân ở đâu? Có phải tất cả lỗi đều do đa cấp lừa đảo?
Sự Lười Biếng
Những lúc kinh tế khó khăn, ai cũng muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhưng bạn không chấp nhận làm thêm những công việc tay chân vì lười, vì sĩ diện. Nhưng bạn cũng không chịu khó đầu tư cho tri thức, nâng cao kỹ năng để có thể tạo ra nhiều giá trị khác. Câu cửa miệng tôi nghe trong thời gian này là "khó khăn là khó khăn chung rồi!".
Và bạn quyết định ngồi không để đợi qua khó khăn. Lúc này, đa cấp lừa đảo là một cách kiếm tiền quá hấp dẫn vì bạn chẳng cần làm gì. Bạn chỉ cần đưa tiền cho đa cấp lừa đảo và bằng một cách thần kỳ nào đó đa cấp lừa đảo sẽ tạo ra tiền cho bạn. Không làm mà vẫn có ăn.
Con đường chân chính và bền vững để kiếm tiền chính là lao động. Bạn có thể bỏ sức lao động giống như người nông dân trồng cây cuốc đất hoặc bỏ công sức tư duy bằng đầu óc như các nhà đầu tư, giáo sư để kiếm tiền. Thực tế, các bạn lười, bạn ngại thay đổi trong một thế giới đang thay đổi hàng ngày. Lối sống quen thuộc làm cho các bạn không muốn làm những công việc mới, thực hiện công việc theo cách mới, tiếp thu kiến thức mới. Nếu không lao động thì miếng phô mai chỉ nằm trong bẫy chuột.
Các bạn nói rằng vì tôi tin anh A, tin chị B nên mới đầu tư. Tất cả đều là lý do ngụy biện cho việc lười. Các bạn lười đi kiểm chứng các thông tin anh A, chị B nói có chính xác không. Các bạn lười đi tìm kiếm thông tin để hiểu cặn kẽ rằng khoản đầu tư này có rủi ro không, có đáng tin cậy để đầu tư không.
>> Alibaba biến tướng mô hình đa cấp Ponzi để huy động 2.500 tỷ đồng
Dạo này báo đài hay đưa tin về dự án "đèn thần", tôi muốn hỏi các bạn có biết chủ đầu tư của dự án là ai không (lỡ có chuyện gì xảy ra thì còn biết tìm ai mà đòi), tính pháp lý của dự án này có được đảm bảo không (lỡ trong danh mục nhà nước cấm thì khổ), mô hình kinh doanh của dự án này là gì mà có thể kiếm tiền trả cho mọi người (không làm gì mà vẫn có tiền thì chỉ có tiền của người trước trả cho người sau).
Nếu các bạn không thể trả lời được những câu hỏi trên thì các bạn quá vô tâm. Các bạn vứt tiền vào một cái hố đen mà không hề biết đằng sau chuyện gì xảy ra, miễn là cuối tháng nó đưa cho bạn tiền lời là được. Nói hơi quá, lỡ cái hố đen cầm tiền đi đánh bạc, rửa tiền, làm chuyện phạm pháp thì một cách nào đó bạn cũng là người tiếp tay cho những hành động sai trái. Đau lòng là tôi có một học viên bị lừa khi đóng tiền cho dự án lừa đảo Alibaba mà đến bây giờ vẫn chưa hiểu bị lừa ở đâu vì "anh" Luyện vẫn thực hiện đúng cam kết trả lãi. Bạn đó vẫn chưa hiểu là "anh" Luyện đã kiếm tiền phạm pháp như thế nào để trả lãi cho bạn.
Đến tỷ phú, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett còn phải nghiên cứu dự án, công ty, thị trường chán chê mới quyết định đầu tư cho một dự án. Ông phải bỏ biết bao chất xám, tìm hiểu thông tin trước khi xuống tiền còn các bạn sẵn sàng đưa tiền chỉ vì nghe một ông "thầy" hay "chuyên gia" phông bạt nói thì bạn không những lười mà còn rất liều.
Lòng tham
Khi nhìn vào danh sách những nạn nhân, tôi thấy trong đó không ít những anh chị có kinh nghiệm về kinh doanh, đầu bạc hai thứ tóc, chẳng phải gà mơ gì nhưng vẫn bị lừa. Liệu có phải họ không nhìn ra được những điểm đáng nghi hay vô lý của những dự án đa cấp lừa đảo?
Đầu tiên, có thể chính họ bị lừa vì sự thiếu hiểu biết của mình. Họ bị những từ ngữ tiên tiến như công nghệ 4.0, tiền mã hóa điện tử, dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo... lừa phỉnh.
Họ chẳng biết những cái đó chính xác là gì, nên khi các đa cấp lừa đảo nói rằng những công nghệ này sẽ tự động kiếm tiền cho bạn như một thằng hầu không hề kêu than là họ gật gù. Họ không chịu nhận rằng trong một xã hội thay đổi quá nhanh, bước vào lĩnh vực công nghệ mới, họ hoàn toàn là những tay mơ, là gà non chứ chẳng phải đại bàng như trước nữa. Họ quá tự tin với quá khứ oai hùng của mình nên mấy thằng trẻ ranh nứt mắt làm sao qua mặt được mình. Kết quả là bị lừa.
Tiếp theo, họ biết rủi ro nhưng tham. Họ có thấy mô hình này không an toàn, không bền vững nhưng tự tin mình sẽ rút ra kịp trước khi nó sụp đổ. Người đằng sau có ra sao họ cũng chẳng quan tâm miễn là túi tiền của mình còn nguyên, thậm chí là còn to hơn trước. Đúng là trong thời gian đầu, họ kiếm đậm. Tiền lãi trả về đúng như cam kết, chẳng mấy chốc mà hoàn vốn đầu tư, lại có thêm lời. Nhưng như những con bạc tham lam, chẳng ai thỏa mãn với điều đó. Tiền lãi sẽ được tái đầu tư vào hệ thống đa cấp lừa đảo để hy vọng tiền mẹ đẻ tiền con.
>> Đa cấp cà phê: Lãi suất vô lý 340% sao vẫn nhiều người Việt bị lừa?
Đến một ngày kim tự tháp sụp đổ thì tiền vẫn nằm toàn bộ trong hệ thống lừa đảo và mất hết. Họ nghĩ rằng mình thông minh và đặc biệt nên không thể mất tiền như mọi người nhưng kết quả thì...cũng giống mọi người. Giống như một kẻ đánh bạc, họ thắng được vài ván đầu nhưng cuối cùng luôn trắng tay. Trong dự án "đèn thần", tôi tin rằng có những người hiểu rõ sự rủi ro nên định sẽ rút trước khi hệ thống sập, khi tiền người sau không trả nổi cho người trước nữa. Tuy nhiên, không may cho họ là bị truyền thông và pháp luật vào cuộc sớm nên không kịp rút như dự tính.
Tóm lại, miếng phô mai miễn phí chỉ có trong bẫy chuột. Những người không chịu đầu tư cho kiến thức, thông tin để nâng cấp bản thân mình thì sẽ dễ bị lừa. Những người tự tin rằng mình không thể bị lừa lại là những người dễ lừa nhất.
Vũ Minh Trường
(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, ĐH James Madison, Mỹ)