Sở Y tế TP HCM vừa công bố kết quả khảo sát mức độ miễn dịch cộng đồng trên 839 mẫu huyết thanh của người dân, ghi nhận hơn 98% có kháng thể ngừa Covid-19. Trong đó, hơn 88% mẫu thu nhận có kháng thể kháng protein N (chủ yếu xuất hiện từ việc nhiễm Covid-19 tự nhiên), 98,7% người dân có kháng thể kháng protein S từ nhiễm tự nhiên hoặc đã tiêm vaccine.
Với kết quả khảo sát lần này, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết thành phố chưa thay đổi chiến lược chống dịch, tuy nhiên kêu gọi người dân duy trì miễn dịch cộng đồng với Covid bằng cách cho người thân và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên) tiêm vaccine, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung. Ngành y tế sẽ tiếp tục khảo sát diễn tiến huyết thanh học cộng đồng trong tháng 12 và mối liên quan giữa dữ liệu về kháng thể với mức độ nặng của bệnh theo các nhóm tuổi để đánh giá thêm mức độ hiệu quả của miễn dịch cộng đồng đối với nCoV.
Trong khi đó, PGS. TS. bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, nói rằng kết quả khảo sát cho thấy mức độ miễn dịch bảo vệ người dân thành phố hiện nay khá tốt, vì đã có tiêm chủng, đã mắc bệnh tự nhiên, giúp số bệnh nhân nặng giảm đáng kể thời gian qua. Tuy nhiên, kháng thể Covid sẽ giảm dần theo thời gian.
"Không có mốc thời gian cụ thể để xác định kháng thể Covid giảm dần, bởi có người giảm nhanh, có người giảm chậm, nhưng thường giảm đáng kể trong khoảng 6-12 tháng sau khi mắc bệnh hoặc tiêm vaccine", phó giáo sư Dũng nói.
Giải thích về hai loại kháng thể trên, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng Bộ môn Nhiễm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng kháng protein N cho biết có bao nhiêu phần trăm người từng mắc bệnh. Đây không phải là kháng thể trung hòa tác nhân gây bệnh, tức không nói lên được mức độ bảo vệ với cơ thể.
Kháng thể kháng protein S quan trọng hơn, vì nó trung hòa được tác nhân gây bệnh. Phần lớn người dân TP HCM có kháng thể này chứng tỏ độ phủ của vaccine cũng như vai trò của nhiễm tự nhiên trong việc tạo kháng thể kháng nCoV trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa xác định được mức ngưỡng nồng độ kháng thể này là bao nhiêu thì bảo đảm đạt mức độ bảo vệ.
"Ngoài việc chưa rõ kháng thể này đã đủ mức bảo vệ chưa, một vấn đề quan trọng chưa có câu trả lời là nCoV đột biến rất nhanh với rất nhiều biến chủng từ khi xuất hiện, liệu có đột biến tiếp theo và kháng thể này có chống lại được đột biến mới hay không", bác sĩ Vân Anh nói. Do đó, không thể lơ là dù kết quả khảo sát ghi nhận kháng thể trong cộng đồng ở mức cao.
Đồng ý kiến của bác sĩ Dũng, bác sĩ Vân Anh cho rằng kháng thể tồn tại không bền, giảm dần theo thời gian. Mức độ giảm thường tùy từng người khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố. Chẳng hạn, với sốt bại liệt, chủng virus không đột biến hoặc đột biến không đáng kể, chưa phải nguy cơ cao, chỉ cần chủng ngừa một lần. Với cúm, Covid, do virus đột biến nhiều nên phải tiêm nhắc vaccine hàng năm. Nhiều khi nồng độ kháng thể cao nhưng gặp chủng virus mới, cơ thể sẽ không thể chống đỡ được.
Các chuyên gia cho rằng để duy trì kháng thể, cần tăng cường tiêm chủng ở nhóm chưa được tiêm và tiêm mũi nhắc lại ở nhóm nguy cơ cao. Theo bác sĩ Vân Anh, người dân cần thực hiện theo các hướng dẫn chủng ngừa từ ngành y tế. Việt Nam đang khuyến cáo tiêm mũi 4. Trong khi đó, Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 5, kết hợp vaccine cúm mùa. Nhiều hãng vaccine trên thế giới cũng đang có kế hoạch đóng một lọ gồm hai loại vaccine vừa ngừa Covid-19 vừa ngừa cúm mùa.
"Chiến lược chống dịch của thành phố là vẫn cần duy trì chủng ngừa, đặc biệt là nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh nền... bởi chủng ngừa cho thấy rõ hiệu quả giảm bệnh nặng", bác sĩ Vân Anh nói. Đồng thời, ngoài tuân thủ hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần chú trọng đến chiến lược chống dịch của các quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia trong khu vực để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Theo phó giáo sư Dũng, bên cạnh chủng ngừa, mỗi người vẫn nên tự thực hiện các biện pháp giảm lây lan để tránh nguy cơ mắc bệnh, làm ảnh hưởng sinh hoạt xã hội, sản xuất, chưa kể vẫn có tỷ lệ nhất định mắc bệnh nặng và nguy cơ hậu Covid.
Tổng hợp các nghiên cứu vào tháng 6, WHO ghi nhận hơn 2/3 dân số thế giới có kháng thể Covid-19, đồng nghĩa người dân đã nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng. Trong điều kiện vaccine chỉ có mức độ bảo vệ nhất định với sự lây lan của biến chủng Omicron, WHO kêu gọi các quốc gia tăng tỷ lệ tiêm chung, đặc biệt với nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao, bởi tiêm chủng có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng hơn so với không được tiêm vaccine.
WHO cho rằng mức độ kháng thể có thể giảm theo thời gian và khả năng miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, cần thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu để xác định khả năng phòng ngừa của vaccine.
Lê Phương