Tại chốt kiểm soát trên đường Đinh Bộ Lĩnh gần Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), khoảng 10 cảnh sát giao thông, công an địa phương, quân đội... được huy động. Ngoài giấy đi đường, người qua chốt được lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra khai báo di chuyển nội địa tại suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, nhằm giám sát hành trình đi lại, khai báo y tế...
Các giấy in mã QR được dán tại nhiều vị trí xung quanh chốt, để người dân dùng camera điện thoại quét, sau đó vào trang web khai báo. Cảnh sát cũng cầm giấy có mã QR và hướng dẫn, hỗ trợ người dân điền thông tin. Sau khi hoàn tất, một mã QR khác sẽ hiển thị và lực lượng chức năng dùng điện thoại quét để đối chiếu thông tin. Khi hợp lệ, người dân được đi qua.
Tuy không xảy ra tình trạng dồn ứ, nhưng nhiều người chưa khai báo trước tại nhà mà đến chốt mới thực hiện nên tốn nhiều thời gian. Một số trường hợp không có điện thoại thông minh, điện thoại không sử dụng 3G, 4G kết nối Internet nên phải khai báo bằng giấy, tốn chừng 10 phút. Trong khi khá nhiều người đã khai báo trước đó rồi chụp lại màn hình điện thoại có mã QR, lực lượng chức năng tại chốt chỉ mất chừng 30 giây để quét thông tin.
"Cơ bản nhiều người đã nắm thông tin, chủ động khai báo tại nhà và không còn lúng túng nhiều như trước. Lượng xe chạy trên đường cũng khá vắng nên giao thông tại chốt thông thoáng", đại uý Nguyễn Phú Trung, cán bộ ở chốt kiểm soát nói và cho rằng hiện dịch bệnh phức tạp nên việc khai báo này sẽ giúp quản lý, giám sát đi lại tốt hơn.
Cách đó hơn 3 km tại chốt trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), các xe đi qua cũng được phân làn để kiểm tra giấy đi đường cùng việc khai báo "di chuyển nội địa". Một số người vẫn còn lúng túng trước các thao tác quét mã và khai báo trên website, hành trình đi lại, phải chờ lực lượng kiểm soát hướng dẫn. Một số trường hợp do trời nắng gây chói sáng, camera điện thoại bị mờ khó quét mã QR nên việc khai báo mất nhiều thời gian.
"Mấy ngày nay chỉ xuất trình giấy đi đường cùng giấy tờ tuỳ thân nên giờ phải khai báo thêm việc 'di chuyển nội địa' nên tôi khá bất ngờ", anh Thanh, một người đi qua giao hàng nói và cho biết khai báo không quá khó, chỉ mất vài phút.
Yêu cầu khai báo di chuyển nội địa tại các chốt nội đô TP HCM thực hiện hôm 14/8 và tạm ngưng sau hơn một ngày do ùn ứ giao thông, không đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Riêng 12 chốt chính ở khu vực cửa ngõ thành phố, yêu cầu khai báo này áp dụng từ hôm 12/8 và thực hiện xuyên suốt đến nay.
Hôm qua, tại buổi họp báo thông tin tình hình phòng chống Covid-19 trên địa bàn, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết yêu cầu khai báo này được Công an thành phố tiếp tục triển khai nhằm phục vụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ đi lại cũng như việc sử dụng giấy đi đường.
"Hiện lưu lượng xe chỉ bằng 10% so với ngày thường, tình trạng ùn ứ sẽ không xảy ra", thượng tá Hà nói và khuyến cáo trước khi đi đường, người dân nên khai báo, chụp lại màn hình điện thoại có mã QR để lực lượng tại chốt kiểm tra, tránh tập trung đông.
Hiện, người dân khi muốn khai báo trước khi ra đường có thể truy cập suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, hoặc dùng camera điện thoại quét mã QR có trên giấy đi đường của mình, để vào trang web nói trên, tiến hành khai báo, sau đó nhận một mã QR phục vụ việc kiểm tra.
Phần mềm khai báo "di chuyển nội địa" được Bộ Công an triển khai để quản lý công dân vùng dịch thông qua kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phần mềm sẽ thống kê tình hình người dân ra, vào vùng dịch hàng ngày; truy vết người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết. Sau khai báo thành công, người dùng sẽ được cấp một mã QR và có thể dùng trong 3 ngày, sau đó phải khai báo lại.
TP HCM siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8 và hiện chỉ một số nhóm công việc được phép ra đường. Giấy thông hành do Công an TP HCM in, ký, đóng dấu, cấp cho cá nhân thuộc các nhóm được đi lại. Hiện, lượng xe chạy ngoài đường ở thành phố giảm gần 90% so với trung bình ngày thường và giảm 25% so với ngày 22/8. Đến tối 28/8, TP HCM ghi nhận 204.964 ca nhiễm trong đợt dịch bùng phát thứ tư.
Gia Minh