Thứ tư, 6/11/2024
Chủ nhật, 15/8/2021, 11:38 (GMT+7)

Ùn tắc ngày cuối tuần ở các chốt trung tâm TP HCM

Chốt kiểm soát đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) ùn ứ cả buổi sáng chủ nhật, trong ngày thứ hai kiểm tra khai báo giám sát di chuyển nội địa.

Trong ngày thứ hai lực lượng chức năng kiểm tra thông tin khai báo qua ứng dụng giám sát di chuyển nội địa, nhiều chốt kiểm soát ở nội thành TP HCM tiếp tục ùn ứ.

Lúc 7h30 ngày 15/8, tại chốt trên đường Đinh Bộ Lĩnh (cạnh Bến xe miền Đông), gần chục cảnh sát giao thông, công an địa phương túc trực giám sát toàn bộ người đi qua khiến khu vực này ùn tắc cục bộ.

Tại đây, lực lượng chức năng siết chặt, dừng tất cả mọi xe từ nơi khác vào quận Bình Thạnh, yêu cầu họ phải quét mã QR và khai báo thông tin tại suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.

Những mã QR được dán ở biển cảnh báo, rào chắn để người dân thực hiện đúng quy trình khai báo qua phần mềm của Bộ Công an.

Trung úy Nguyễn Tuấn Hưng liên tục di chuyển, cầm theo mã QR và giải thích để người đi đường khai báo. "Dù vậy nhiều người tỏ ra lúng túng trước các thao tác quét mã và khai báo trên website, nhầm lẫn với khai báo y tế nên phải khai lại từ đầu", nam cảnh sát nói.

Dòng người tập trung giữa đường chờ xong thủ tục khai báo để qua chốt.

Đã điền đầy đủ 18 mục thông tin nhưng điện thoại không hiện mã QR, ông Nguyễn Văn Hoà tỏ ra khó chịu khi buộc phải viết khai báo bằng giấy để qua chốt. "Tôi điền biển số xe, nơi thường trú rõ ràng nhưng nó cứ hiện lên 'không được để trống'. Chốt kiểm soát là để phòng dịch nhưng tập trung đông đúc như vậy có thể gây phản ứng ngược", người đàn ông 46 tuổi nói.

Bà Bùi Thị Kim Yến (góc phải) loay hoay hơn nửa tiếng nhưng chưa thực hiện xong khai báo qua ứng dụng.

"Cảnh sát yêu cầu phải khai di chuyển đúng lộ trình trong khi một ngày tôi chạy cả chục đơn hàng. Không lẽ tôi phải khai báo từng ấy lần để đúng nơi đi và nơi đến?", nữ tài xế công nghệ nói.

Nhiều người không có điện thoại thông minh hoặc không có 3G, 4G kết nối Internet, cán bộ tại chốt phải phát phiếu giấy và hướng dẫn ghi thông tin. Họ viết thông tin ngay trên yên xe, ghế nhựa trong lều dã chiến.

Sau khi khai báo, một mã QR xác nhận hoàn thành để lực lượng chức năng đối chiếu và nhập vào hệ thống. Nếu hợp lệ thì người dân mới được đi qua. Mỗi mã QR này có thể sử dụng trong 3 ngày.

Một số người cố tình tìm cách né chốt nhưng bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe thực hiện khai báo.

Người đàn ông chụp lại cảnh ùn tắc ở chốt đường Đinh Bộ Lĩnh. "Dòng xe tập trung đông thế này mà vẫn bắt mọi người khai báo từng thông tin, trong tình hình dịch bệnh lẽ ra nên xả trạm mới hợp lý", người này nói.

Đến 10h, tại chốt đường Đinh Bộ Lĩnh, tình trạng ùn tắc vẫn tiếp diễn. Một cán bộ tại đây cho biết, tình trạng trên do người dân chưa quen cách khai báo mới, không có điện thoại thông minh kết nối 4G hoặc camera bị mờ không quét được QR... và khuyến cáo người dân khai báo tại nhà.

Cách đó 15 km, tại chốt giao lộ Trường Chinh và Phan Văn Hớn (quận 12), người dân dựng xe máy kín một làn đường khai báo qua phần mềm. Nhiều chốt kiểm soát khác như Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp)... cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Phần mềm giám sát này được Bộ Công an triển khai để quản lý công dân vùng dịch thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phần mềm sẽ thống kê tình hình công dân ra, vào vùng dịch hàng ngày; truy vết người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết.

Sáng 15/8, Đại tá Phùng Đức Thắng, Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho biết có nhiều phần mềm khai báo y tế nên người dân dùng "phần mềm nào cũng được". C06 khuyến khích khai báo bằng hệ thống của Bộ Công an bởi đã được tích hợp đầy đủ thông tin về dữ liệu dân cư ở đây.

Quỳnh Trần - Đình Văn