Theo quy định mới của TP HCM, từ 14/8, người dân sẽ khai báo di chuyển thông qua trang web suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc quét mã QR được dán tại các trạm kiểm soát. Trước đây, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khai báo di chuyển trên ứng dụng VHD hoặc trang web Tờ khai y tế, nhưng hiện mã QR từ hai ứng dụng này không có tác dụng ra vào các cửa ngõ TP HCM. Người dân phải khai báo trên nền tảng "di biến động dân cư" do Bộ Công an triển khai.
Bất cập của 'di biến động'
Sau khi điền đủ thông tin trên "di biến động", nền tảng sẽ trả về một mã QR. Người dân có thể chụp lại màn hình hoặc tải mã QR này về máy để đưa cho cán bộ tại chốt kiểm dịch. Tại đây, mã QR được kiểm tra trên hệ thống và so sánh với các thông tin kèm CMND và giấy tờ đi lại cần thiết của người đi đường. Mỗi mã QR có hiệu lực trong 72 giờ. Những người không có smartphone phải khai báo bằng giấy tại mỗi chốt.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ người dùng, một trong những bất cập lớn của nền tảng này là người dân chỉ có thể khai báo một điểm đến, trong khi mỗi ngày một người có thể ghé qua nhiều địa điểm khác nhau. Ví dụ, shipper sẽ rất khó khai chính xác và đầy đủ điểm đến trên nền tảng vì họ có thể giao cả trăm đơn hàng ở những địa chỉ khác nhau trong ngày. Tiếp đến là thời hạn sử dụng mã QR kéo dài ba ngày, trong khi mỗi ngày người dân có thể đến một địa điểm khác nhau nhưng thông tin khai báo vẫn chỉ là một địa điểm như lần đầu.
Hơn nữa, hệ thống không tự động ghi nhớ các thông tin cố định như số CMND, ngày sinh, giới tính, quốc tịch. Trên các nền tảng như VHD và Tờ khai y tế, sau khi điền số điện thoại, hệ thống tự động điền các thông tin cố định đã được nhập lần đầu. Người dùng chỉ cần cập nhật thông tin về sức khoẻ, nơi đến, nơi đi. Việc này vừa giúp người dân tiết kiệm được thời gian vừa đảm bảo nhất quán thông tin, không bị nhầm lẫn do nhập lại nhiều lần.
Sau hơn một ngày triển khai hệ thống, nhiều chốt kiểm soát khu vực nội thành TP HCM đã tạm dừng yêu cầu người dân khai báo trên nền tảng "di biến động" do ùn tắc giao thông. Nguyên nhân là nhiều người dân chưa quen cách khai báo mới, không có điện thoại thông minh kết nối 3G, 4G hoặc camera bị mờ không quét được mã QR... dẫn đến việc làm thủ tục khai báo tốn nhiều thời gian.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CP08 cho biết, TP HCM vẫn triển khai hệ thống di biến động tại 12 chốt cửa ngõ vào thành phố. So với những ngày đầu, tình trạng ùn ứ đã không còn. "Những xe có mã QR trong luồng xanh và lực lượng làm nhiệm vụ không cần khai báo trên 'di biến động' nên việc lưu thông đã được đảm bảo", ông Bình thông tin.
Chồng chéo nền tảng quản lý di chuyển
Ngoài hệ thống "di biến động" của Bộ Công an, người dân khi di chuyển nội địa còn được yêu cầu khai báo trên nền tảng VHD hoặc Tờ khai y tế. Những tài xế vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu cần đăng ký một mã QR riêng để được ưu tiên trong "luồng xanh".
Ứng dụng VHD và trang web Tờ Khai y tế là hệ thống quản lý khai báo y tế thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hệ thống này đã được sử dụng từ tháng 3/2020 và người dân có thể khai báo di chuyển trong nước hoặc khai báo đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Trên hệ thống, mỗi tài khoản sẽ được cấp một mã QR. Thông tin về sức khoẻ, lịch trình di chuyển của người dân sẽ được cập nhật liên tục, tạo thành các mã QR mới.
Người dân có thể chủ động khai báo thông tin di chuyển, tình trạng sức khoẻ tại nhà trước khi ra đường, đến bến xe, sân bay để tránh tập trung đông người. Cán bộ kiểm dịch có thể đọc thông tin khai báo dựa trên QR code một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, hạn chế của ứng dụng là mỗi lần khai báo sẽ sinh ra một mã QR mới, thay vì cập nhật thông tin trực tiếp lên QR code cá nhân.
Từ tháng 7/2021, ứng dụng cũng cho phép quản lý người cách ly tại nhà bằng nhận diện khuôn mặt và định vị GPS.
Đối với xe tải, xe chở hàng thiết yếu, đưa đón công nhân, tài xế được yêu cầu đăng ký Hệ thống Luồng xanh, thuộc quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Các xe trong diện "luồng xanh" được cấp thẻ nhận diện có mã QR, dán trên cửa kính; ưu tiên đi lại khi qua chốt, không phải quay đầu như các phương tiện khác khi đến khu vực giãn cách; và có thể không phải dừng lại để kiểm tra.
Ngày 14/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ nâng cấp thẻ nhận diện xe "luồng xanh", kết nối với cơ sở dữ liệu của ngành y tế. Nếu liên thông, thông tin xét nghiệm, tiêm vaccine phòng Covid-19 của các tài xế sẽ được mã hóa trên phần mềm, giúp tiết kiệm thời gian kiểm tra, hạn chế tiếp xúc cho tài xế và cán bộ kiểm soát y tế.
Ngoài ra, một số địa phương còn phát triển nền tảng riêng, yêu cầu người dùng khai báo trên đó. Ví dụ, Đà Nẵng kiểm soát ra vào và khai báo dựa trên hệ thống Khaibaoyte.quangnam.gov.vn. Huế yêu cầu người dân phải tải ứng dụng Hue-S để cập nhật lịch trình, quét mã QR tại các điểm công cộng. Ở Vĩnh Phúc, Hải Dương lại dùng Zalo để quét tài tài khoản công an tỉnh rồi thực hiện khai báo.
Chỉ riêng việc khai báo di chuyển, người dân cần ít nhất ba nền tảng khai báo khác nhau. Một lãnh đạo cục của Bộ Y tế cho biết hiện chưa có quy định bắt buộc người dân phải khai báo y tế bằng phần mềm nào. Đại diện Bộ Công an cũng xác nhận có nhiều phần mềm khai báo y tế nên người dân dùng phần phầm mềm nào cũng được. "Tuy nhiên khuyến khích công dân khai báo ở phần mềm của Bộ Công an để thống nhất trong việc quản lý và khai báo, truy vết F0", trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an), trả lời báo chí hôm 15/8. Ông Vinh cho biết, Bộ Công an và Bộ Y tế đã thống nhất về mặt kỹ thuật để liên kết các phần mềm với nhau nhưng "cần vài ngày nữa để hoàn thiện".
Khương Nha