Theo đề án ban hành ngày 14/7, đến năm 2025, các tỉnh thành gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Ngoài mục tiêu tăng lượng du khách, tăng chi tiêu, đề án còn nhằm kéo dài thời gian lưu trú (tăng thêm ít nhất một đêm) của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Nghi ngại về hiệu quả của việc đẩy mạnh loại hình kinh doanh du lịch về đêm, độc giả Cam đặt dấu hỏi: "Mọi người thường ham hố du lịch về đêm. Nhưng cá nhân tôi thấy du lịch đêm chủ yếu phục vụ khách ba lô trẻ (tầm 18-25 tuổi, cùng lắm là 30 tuổi), mà nhóm này đa số chi tiêu không nhiều. Nhóm khách cao tuổi chủ yếu chi vào các loại hình giải trí khám phá, trải nghiệm hoặc loại hình dịch vụ giá trị cao. Tôi chỉ thắc mắc du lịch đêm mang lại giá trị bao nhiêu, có tương xứng với hệ lụy đi kèm và có phù hợp với thương hiệu du lịch của chúng ta không?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Dân đen cho rằng: "Du lịch đêm cũng chỉ toàn là ăn nhậu, la hét ồn ào, ầm ĩ. Cả ngày ăn nhậu không đủ hay sao? Đêm phải lo ngủ giữ sức khỏe chứ? Các tệ nạn phát sinh nhiều cũng vì ăn nhậu suốt ngày đêm. Nói thật, ban đêm, chẳng ai đi vòng vòng đường phố để chơi bời, ngắm cảnh cả, họ chỉ ăn nhậu và hát hò thôi".
>> Làm du lịch kiểu 'khuya rồi về ngủ đi'
Trong khi đó, phản biện lại quan điểm trên, độc giả Khoa Chau ủng hộ định hướng phát triển du lịch đêm: "Mỗi người một cách nghĩ, có thể bạn không thích hoạt động về đêm nhưng không thể bắt người khác cũng phải như mình. Tệ nạn thì thời gian nào cũng có, đâu phải mở du lịch đêm mới phát sinh tệ nạn? Muốn du lịch nước nhà phát triển, chúng ta phải có nhiều mô hình, chứ khách nước ngoài đến chơi mà mới có 21h đã đóng cửa đi ngủ hết thì họ sẽ chuyển qua Thái Lan, Malaysia hết".
Cùng chung nhận định, bạn đọc Pusenpai nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch đêm: "Ăn nhậu, la hét, chửi bới ầm ĩ, đa phần là người Việt chứ không phải khách quốc tế. Còn nếu sợ làm phiền và ảnh hưởng thì chúng ta có thể tách ra làm một khu phố đêm riêng biệt. Quan trọng là phải có chỗ cho khách du lịch chơi và tiêu tiền. Hôm trước, bạn tôi là người nước ngoài chê Hà Nội và TP HCM vì dịch vụ giải trí về đêm quá nghèo nàn, không bằng một góc của Thái và các nước khác trong khu vực".
Làm gì để du lịch đêm phát huy hết giá trị của mình? Độc giả Bình Luận nêu quan điểm: "Mở ra thì phải có định hướng hoạt động cho rõ ràng chứ không thể cứ vào bán hàng rong và cho thuê xe điện trẻ con như hiện tại được. Làm vậy thì dù có mở nhiều cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Bước đầu, tối thiểu chúng ta phải làm được giống như Tạ Hiện với Bùi Viện, rồi tiến tới là sầm uất như China Town, Khao San, Icon Siam của Thái Lan. Lúc đó mới thu hút được du khách tới tiêu tiền và quảng bá văn hóa, ẩm thực của Việt Nam rộng rãi ra được".
Đánh giá về các hoạt động du lịch, dịch vụ về đêm hiện tại ở nước ta khi so sánh với Thái Lan, bạn đọc Con yeu bày tỏ: "Chúng ta phải có sự đột phá. Tôi quan ngại ý thức người làm du lịch của người Việt. Lên phố Bùi Viện chơi, tôi thấy mắc cỡ với du khách. Mấy quán hai bên đường để bàn ghế tràn xuống, chiếm hết hơn nửa lòng đường, trong khi khách ngồi vắng tanh. Khi công an đến dọn dẹp thì họ cất dọn, nhưng lực lượng chức năng vừa quay lưng đi là họ lại bê xuống chiếm lòng đường.
Có lúc kẹt xe, chủ quán còn lấy bàn ghế chèn kín như nêm giữa đường, không cho khách đi bộ chen qua. Họ coi cả lề đường và một phần lòng đường là tài sản riêng của mình. Bên Thái Lan, họ cũng có phố đêm nhưng rất trật tự, văn minh hơn ở ta. Thiết nghĩ, công an khu vực chỉ cần cho người xuống chụp hình, quay phim làm bằng chứng rồi mời lên phạt nguội, tái phạm rút giấy phép coi quán nào dám làm?".
Gợi ý những sản phẩm du lịch đêm có thể khai thác, độc giả Pidu bình luận: "Du lịch đêm là hình thức du lịch diễn ra sau 18h. Tôi thấy, ngoài vui chơi giải trí (ăn nhậu) như mọi người nói, chúng ta có thể khai thác các chương trình khác như: đi thuyền câu mực ban đêm; lễ hội nhạc nước; pháo hoa tụ điểm; khu vực miền Bắc có thể phát triển mô hình biểu diễn nhạc dân gian, quan họ; miền Nam có thể là cải lương, vọng cổ; miền Trung có thể là hò, lý...
Hiện nay, đa phần các địa phương đều có quảng trường, nên ban đêm có thể tổ chức biểu diễn lịch sử địa phương tại đây mà không làm ảnh hưởng tới sinh hoạt thường nhật của người dân xung quanh. Ngoài ra, hoạt động trưng bày sách, ảnh, tranh, mô hình cổ vật tại các bảo tàng (trung tâm văn hóa địa phương) cũng nên được quan tâm xây dựng. Bên cạnh đó là các tụ điểm ăn uống, giải trí, chợ đêm (giá cả phải chăng chứ không chặt chém) cũng là mảnh đất màu mỡ để người Việt tận dụng và khai thác.
Tóm lại, kinh tế đêm không chỉ có mỗi ăn nhậu. Du lịch về rất rộng và dễ tạo ấn tượng cho du khách".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.