Khi chuyên cơ chở Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh ngày 5/4 để bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Tần Cương đã đón ông ở chân cầu thang máy bay. Ông sau đó được chào đón bằng lễ duyệt đội danh dự và bắn đại bác trên Quảng trường Thiên An Môn.
Cũng trong ngày hôm đó, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đặt chân tới Bắc Kinh, đón bà là Bộ trưởng Sinh thái và Bảo vệ Môi trường, tại lối ra dành cho hành khách thông thường.
Ông Macron có lịch trình làm việc dày đặc ở Trung Quốc, trái ngược với bà von der Leyen. Trong lúc Tổng thống Pháp dự quốc yến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối 6/4, Chủ tịch EC tổ chức họp báo tại trụ sở chính của phái đoàn EU. Và trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc hết lời ca ngợi mối quan hệ Trung - Pháp thì những bài đăng trên mạng xã hội nước này lại mô tả Chủ tịch von der Leyen giống như "con rối của Mỹ".
Thái độ trái ngược này là minh chứng rõ nét nhất cho những khó khăn mà châu Âu đang gặp phải trong mối quan hệ với Trung Quốc. 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) có những quan điểm rất khác nhau về chính sách với Trung Quốc và Bắc Kinh không xa lạ với điều đó.
Ông Macron quyết định mời bà von der Leyen cùng tham gia chuyến đi tới Bắc Kinh nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết của châu Âu trước Trung Quốc. Các quan chức EC trước đó nhấn mạnh Chủ tịch von der Leyen sẽ theo lịch trình khác với Tổng thống Pháp và không phải một phần trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông.
Trang chủ hãng thông tấn Xinhua hôm 5/4 phần lớn tập trung thông tin vào Tổng thống Macron và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp, khiến EU trở thành chủ đề gần như vô hình.
Trên mạng xã hội vốn được kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc, Chủ tịch von der Leyen liên tục bị công kích, tiếp nối những lời lẽ gay gắt được người dùng mạng nước này tung ra sau khi bà có bài phát biểu khá quyết liệt nhằm vào Trung Quốc hồi tuần trước.
Bà von der Leyen hôm 30/3 nhận xét rằng Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn ở trong nước và quyết đoán hơn ở nước ngoài, "thay thế kỷ nguyên cải cách và mở cửa bằng kỷ nguyên an ninh và kiểm soát". Bà cũng cho rằng quan hệ giữa EU và Trung Quốc "ngày càng trở nên xa cách và khó khăn" trong những năm gần đây và EU cần giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
"Chuyến thăm của Tổng thống Macron diễn ra với kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ tạo động lực cho Pháp... nhưng bằng cách đưa Chủ tịch von der Leyen đi cùng, có vẻ như ông Macron đang thiếu một chút chân thành", bài viết đăng trên một tài khoản mạng xã hội có liên kết với Bộ Quốc phòng Trung Quốc có đoạn. "Von der Leyen, một người nổi tiếng thân Mỹ, đã bán đứng châu Âu để mang lại lợi ích cho Mỹ, không tiếc công sức đẩy châu Âu vào thế đối đầu với Nga. Bà đến được Trung Quốc chỉ nhờ vào mối quan hệ với Tổng thống Macron".
Một số nhà bình luận có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội Trung Quốc còn nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch von der Leyen "không có thiện chí".
"Mục đích của bà ấy không đơn giản", một nhà bình luận có tài khoản 250.000 người theo dõi, viết. "Mỹ có thể giao nhiệm vụ cho bà ấy để mắt đến Tổng thống Macron".
Khác biệt về cách tiếp cận với Trung Quốc giữa Tổng thống Macron và Chủ tịch von der Leyen đã được thể hiện ngay từ đầu chuyến thăm. Ông Macron là lãnh đạo châu Âu luôn mong muốn và tìm cách làm việc cùng Bắc Kinh, còn bà von der Leyen lại có quan điểm quyết liệt hơn.
Vài giờ sau khi hạ cánh xuống Bắc Kinh hôm 5/4, Tổng thống Pháp đã ngụ ý về việc ông không hoàn toàn có cùng quan điểm với Chủ tịch EC về vấn đề Trung Quốc.
Trong cuộc gặp với báo chí, ông từ chối bình luận về phát biểu hôm 30/3 của bà von der Leyen, nhưng nhấn mạnh EU "có một chiến lược đã được xác định rõ ràng tại Hội đồng châu Âu và đây là chiến lược mà chúng tôi tham khảo".
Trong khi các quan chức Pháp nhấn mạnh rằng Tổng thống Macron không quan tâm đến việc nêu vấn đề Đài Loan với nước chủ nhà, bà von der Leyen đã không ngần ngại thảo luận về tình trạng của hòn đảo này với Chủ tịch Trung Quốc.
"Bất kỳ ai cũng không nên đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực trong khu vực", bà nói. "Việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được và điều quan trọng là những căng thẳng có thể xảy ra cần được giải quyết thông qua đối thoại".
Thông cáo của Trung Quốc về cuộc hội đàm giữa ông Tập và bà von der Leyen cũng không cho thấy những dấu hiệu tích cực.
"Trung Quốc và EU cần tăng cường liên lạc để thiết lập hiểu biết lẫn nhau một cách đúng đắn để tránh hiểu sai hoặc đánh giá sai tình hình", thông cáo dẫn lời ông Tập, lặp lại thông điệp được Đại sứ Trung Quốc tại EU sử dụng khi bình luận về bài phát biểu cứng rắn của bà von der Leyen. "Chúng tôi hy vọng EC sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng, dựa trên lợi ích cơ bản và lâu dài của EU".
Tổng thống Macron trong khi đó có cách tiếp cận nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn. Sau nỗ lực "ngoại giao con thoi" bất thành với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm ngăn chiến sự Ukraine hồi đầu năm ngoái, ông giờ đây đặt cược vào Trung Quốc, với hy vọng Bắc Kinh tận dụng đòn bẩy của mình với Moskva để chấm dứt xung đột.
Trong hội đàm, Tổng thống Pháp đã thúc giục Chủ tịch Trung Quốc gây ảnh hưởng với Nga và đối thoại với Ukraine, nhưng nỗ lực này của ông chưa thực sự đem lại kết quả. Ông Tập đồng ý điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng vào "thời điểm và bối cảnh thích hợp".
Tổng thống đã đạt được tiến bộ cụ thể hơn về các vấn đề kinh tế với Trung Quốc. Ông cùng Chủ tịch Tập chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác kinh tế, trong đó có kế hoạch bán 160 máy bay Airbus cho Trung Quốc. Theo Điện Elysée, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt mua 150 máy bay A320 Neo và 10 chiếc A350, nằm trong thỏa thuận trị giá hơn 39 tỷ USD mà Airbus công bố vào năm ngoái.
Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Macron đã ca ngợi những thỏa thuận kinh tế này với Trung Quốc. Theo quan sát của phóng viên Politico, thời gian phát biểu của ông Macron dài gấp đôi của ông Tập.
Nhưng khi Tổng thống Pháp bắt đầu nói về vấn đề Ukraine và kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc tăng áp lực với Nga, ông Tập dường như không mấy chú ý và thỉnh thoảng khẽ thở dài.
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận cho rằng Bắc Kinh quan tâm hơn tới động lực thương mại và đảm bảo tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc với Pháp và châu Âu, "nơi hai bên không có xung đột lợi ích hay các mâu thuẫn căn bản".
Vũ Hoàng (Theo Politico)