Trong cuộc họp báo sau khi gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev ngày 8/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng chuyến đi của ông trước đó tới Moskva đã xây dựng được "giải pháp vững chắc" cho ổn định ở châu Âu và rằng Tổng thống Vladimir Putin cam kết Nga "sẽ không là bên gây leo thang tình hình".
"Tôi nghĩ đó là điều quan trọng", Macron nói, thêm rằng sau 5 giờ thảo luận hôm 7/2 tại Moskva, Putin đã cam đoan Nga sẽ không triển khai lực lượng đồn trú lâu dài trên lãnh thổ Belarus sau khi hai bên kết thúc đợt tập trận tháng này.
Macron cho biết thêm Tổng thống Nga đã hứa sẽ tôn trọng thỏa thuận Minsk, được "Bộ tứ Normandy" gồm Nga, Ukraine, Pháp, Đức ký vào năm 2015 để chấm dứt giao tranh ở miền đông Ukraine.
Nhưng cùng thời điểm, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ra tuyên bố bác bỏ những thông tin được truyền thông quốc tế dẫn lời Macron rằng hai lãnh đạo đã đồng ý giảm leo thang căng thẳng tại khu vực biên giới, nơi Nga đang tập trung khoảng 100.000 binh sĩ những tháng gần đây.
Peskov không xác nhận về bất kỳ giải pháp cụ thể nào đạt được sau cuộc họp Putin - Macron, động thái mà bình luận viên Eliza Mackintosh và Nathan Hodge của CNN gọi là "gáo nước lạnh" dội vào Tổng thống Pháp, người đang nỗ lực thể hiện vai trò tiên phong tháo gỡ ngòi nổ xung đột trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Trong tình hình hiện nay, Moskva và Paris không thể đi đến thỏa thuận. Pháp chỉ là một thành viên của EU và NATO, không phải là nước dẫn dắt NATO", Peskov nói. Tuyên bố này dường như ám chỉ rằng chỉ có Mỹ, "anh cả" của NATO, mới có thể đàm phán một thỏa thuận giảm căng thẳng với Nga.
Phát biểu của Peskov còn tạo nên một đám mây mù mơ hồ bao phủ chính sách ngoại giao con thoi của Tổng thống Pháp, khiến nỗ lực hòa giải của ông trở nên kém tin cậy hơn nhiều.
Chiến dịch ngoại giao con thoi được coi là một phần trong tham vọng của Tổng thống Pháp nhằm đưa mình lên sân khấu trung tâm, thay thế "đầu tàu" Đức, làm nhà hòa giải hàng đầu cho châu Âu.
Với tư cách của Pháp là chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Macron có nhiều cơ hội điện đàm thảo luận với cả người đồng cấp Nga Putin lẫn Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Sau cuộc gặp Macron - Putin, Điện Elysee công bố loạt kết quả hội đàm ấn tượng và được truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi, thắp lên hy vọng lạc quan về tương lai cuộc khủng hoảng.
Nhưng khi được hỏi về tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Pháp, Peskov cho hay ông không biết gì về nó. "Tôi không thể bình luận về nó, tôi không hiểu các đồng nghiệp Pháp đang đề cập đến điều gì", ông nói.
Dù Peskov xác nhận các lực lượng quân sự Nga sẽ rời Belarus sau khi hai nước kết thúc tập trận chung, ông không cung cấp thêm bất kỳ thông tin cụ thể nào về thời điểm rút quân. Giới chức tình báo Ukraine lo ngại Nga có thể sử dụng Belarus như một "vùng đệm" cho các hoạt động quân sự trong tương lai.
"Chúng ta đang nói về các cuộc tập trận của hai nước đồng minh và sau khi hoàn thành những hoạt động này, quân đội sẽ trở về căn cứ thường trực của họ", Peskov nói trong một cuộc họp báo. Khi được hỏi Tổng thống Putin có định ngày rút quân cụ thể khỏi Belarus hay không, Peskov trả lời: "Không".
Bình luận viên Michael Schwirtz và Ivan Nechepurenko của NY Times cũng nhận định rằng tuyên bố từ phía Nga đã làm suy yếu đáng kể uy tín của Tổng thống Pháp trong nỗ lực tháo ngòi khủng hoảng Ukraine.
Nga dường như còn bồi thêm một đòn giáng vào uy tín của Macron khi thông báo điều 6 tàu đổ bộ cỡ lớn tới Biển Đen để tham gia một cuộc tập trận, chỉ vài tiếng sau khi Tổng thống Pháp lên đường tới Ukraine.
Quân khu miền Nam Nga cũng tuyên bố bắt đầu diễn tập tác chiến ban đêm kéo dài ba tuần ở phía nam đất nước, sau khi một quan chức Pháp giấu tên cho hay Tổng thống Putin đã cam kết sẽ không tiến hành các cuộc diễn tập quân sự mới gần Ukraine.
Động thái điều loạt tàu đổ bộ cỡ lớn tới Biển Đen của Nga khiến các quan chức an ninh Mỹ và châu Âu không khỏi quan ngại, cảnh báo rằng Nga có thể mở một mặt trận mới ở phía nam Ukraine nhằm gia tăng sức ép với nước này.
"Chúng cho thấy vấn đề chưa được giải quyết", giám đốc chính sách đối ngoại EU Josep Borrell nhận xét. "Chuyến công du của Tổng thống Macron tới Moskva rất quan trọng, nhưng nó chưa thể làm nên điều kỳ diệu".
Xem thêm:
-Thế trận của Nga quanh Ukraine
-Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Vũ Hoàng (Theo CNN, NY Times, Washington Post)