Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (2019-nCoV) hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu. Tính đến 14h00 ngày 11/2, thế giới có 43.104 ca nhiễm bệnh và 1018 ca tử vong, đa số ở Trung Quốc đại lục. Tại Việt Nam, một quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc và có nhiều hoạt động giao thương buôn bán với nước này, cũng đã có 15 ca nhiễm chủng virus mới này.
Hiện 63/63 tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ học để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh đồng thời tổ chức khử trùng, sát khuẩn, đảm bảo vệ sinh trường lớp.
Trong 15 ca nhiễm trong nước, ở Vĩnh Phúc có một trường hợp là học sinh lớp 10 (em của người nữ công nhân đi từ tâm dịch Vũ Hán về). Do đó, tất cả học sinh trong lớp của em học sinh này cùng các cô giáo đứng lớp hôm đó đều đã được cách ly để theo dõi sức khỏe. Việc cho học sinh nghỉ học để phòng dịch là một cách làm hết sức đúng đắn của các Sở GD&ĐT bởi các lý do sau:
Thứ nhất, trước mắt, đây là hai tuần nghỉ rất cần thiết để các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh theo dõi sức khỏe bản thân, xem có các triệu chứng bệnh hay không. Virus corona thường ủ bệnh trong thời gian là khoảng hai tuần. Đồng thời đây cũng là khoảng thời gian quý báu để các em tìm hiểu thông tin về dịch bệnh qua các kênh thông tin (tivi, báo, internet...) và được hướng dẫn các cách phòng tránh phù hợp. Việc kiểm soát bệnh tật trong khoảng thời gian này là vô cùng quan trọng.
Thứ hai, việc cho học sinh nghỉ học sẽ hạn chế việc tiếp xúc với nhiều người, từ đó giảm được tình trạng lây lan của virus corona. Nếu chẳng may một em nào đó nhiễm virus sẽ rất dễ lây lan ra cả lớp, rồi từ đó mà ra cả trường, giáo viên cùng cộng đồng xung quanh. Nhiều trường tổ chức học và ăn bán trú, ăn chung, ngủ chung nên nguy cơ một người mắc bệnh lây cho cả trường là rất cao. Thời gian này là khoảng thời gian tập huấn cho giáo viên, các cán bộ, nhân viên nhà trường về dịch bệnh, tổ chức tổng vệ sinh trường lớp, sát trùng khuôn viên trường học, tạo điều kiện tốt nhất cho các em quay lại trường học.
Thứ ba, kỳ nghỉ này là khoảng thời gian để các trường thử nghiệm các hình thức dạy và học trực tuyến, giao bài tập online cho học sinh. Ngoài ra, đối với các em cuối cấp thì đây là quãng nghỉ "vàng" để các em tổng rà soát, ôn tập lại các kiến thức, kỹ năng đã học, xác định lại mục tiêu của bản thân... để phấn đấu vượt qua các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, THPT quốc gia.
Thứ tư, với các em cấp 2, cấp 3 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung Bộ, dịch khó lây lan mạnh như ở miền Bắc, nhưng vùng này lại đang đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, đây là khoảng thời gian các em phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, lấy nước ngọt, nước sạch dự trữ phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Từ những lý do kể trên, việc nghỉ học là cần thiết. Điểm đặc biệt là kỳ nghỉ này diễn ra vào tháng 2 – vẫn là tháng chính đông ở miền Bắc, nên tôi gọi là "kỳ nghỉ đông". Nhiều địa phương thậm chí cho học sinh nghỉ xuyên từ Tết nên các em được "nghỉ Tết" tới một tháng. Một câu hỏi đặt ra là nên nghỉ đến khi nào là hợp lý? Theo tôi còn phải đánh giá vào tình hình dịch bệnh, thời gian và môi trường phát sinh, thời tiết của các khu vực... Quan điểm của tôi về việc này như sau:
- Đối với các tỉnh Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, các sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ nên cho các em nghỉ hết ngày 1/3. Bởi lẽ đây là khoảng thời gian mà điều kiện thời tiết còn khá thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Trường hợp dịch phức tạp, các sở có thể đánh giá mà quyết định cho nghỉ thêm.
- Đối với các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ, thì việc nghỉ đến 16/2 là phù hợp. Riêng Đà Nẵng và TP HCM, do đông dân, người từ các địa phương về làm đông, có thể cho nghỉ thêm khoảng 4-7 ngày. Trường hợp dịch phức tạp, các sở có thể đánh giá mà quyết định cho nghỉ thêm. Nếu dịch quá phức tạp và phải nghỉ quá ngày 1/3 thì khả năng kết thúc năm học trong tháng 6 là rất cao. Còn nếu kiểm soát được dịch, thì việc cho nghỉ đến 1/3 nếu các trường sắp xếp kế hoạch học bù hợp lý thì kế hoạch thời gian năm học vẫn được đảm bảo, chỉ trường hợp cần thiết mới nên lùi sang tháng 6.
>> Học sinh TP HCM đi học từ tuần sau có sớm?
Theo tôi, các giờ kiểm tra một tiết, kiểm tra học kỳ, với các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, Sử, Địa, Công dân, Lý, Hóa, Sinh nên tổ chức kiểm tra tập trung trong 1,5 ngày (điều mà một số trường đang áp dụng). Điều đó vừa giảm được số tiết, vừa đánh giá đúng chất lượng dạy học toàn trường. Tổ chức học bù vào thứ 7, chủ nhật, các buổi chiều (với các trường 1 buổi/ngày) và sắp xếp thời khóa biểu hợp lý. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các em bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Làm được như vậy thì "kỳ nghỉ đông" như hiện tại là vô cùng cần thiết và vẫn không làm ảnh hưởng quá nhiều đến chương trình giáo dục.
>> Quan điểm của bạn về việc cho học sinh nghỉ học phòng dịch corona thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.