Trước đề nghị của Bộ Y tế, cho rằng: "Địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự hoài nghi đến sự an toàn của trẻ nhỏ khi đến trường khi dịch bệnh chưa được ngăn chặn:
Bộ Y tế có dám khẳng định địa phương nào chưa có dịch không? Chỉ có địa phương chưa phát hiện dịch, chứ không thể khẳng định là không có. Với bệnh viêm phổi cấp nCoV này, công tác ngăn chặn hiệu quả nhất là cách ly đề phòng. Đừng chủ quan. Biết học sinh ở nhà rất cam go cho các bậc phụ huynh (trong đó có gia đình tôi), tuy nhiên tôi ủng hộ 100% cho các con nghỉ học như hiện nay. Chương trình học sẽ đẩy lùi về sau, không lo chậm.
Vẫn nên cho các cháu nghỉ học thêm nữa bởi vì trường học tuy khử trùng nhưng mỗi gia đình học sinh tiếp xúc với ai và làm gì thì không ai biết được. Lỡ bị lây nhiễm chéo thì sao? Trẻ con vô tư, không nhận thức được như người lớn. Nếu đeo khẩu trang cả ngày, bé sẽ khó chịu và tháo ra, tuỳ tiện bốc tay lên mặt...
Bệnh không xuất phát từ bàn ghế trong trường mà do nhiễm chéo khi sinh hoạt thường ngày. Bệnh chỉ lây trong trường khi có học sinh nhiễm bệnh ở ngoài đem vào. Bệnh còn diễn biến phức tạp, gấp rút cho đi học sớm khi chưa qua đỉnh dịch thì đôi khi tình hình khó lường hơn, lúc đó hai tuần nghỉ vừa rồi có khi vô tác dụng.
Theo tôi, thời gian nghỉ học nên thống nhất trong cả nước chứ không nên địa phương này học, địa phương kia nghỉ, như thế sẽ gây khó khăn cho việc quản lý giáo dục. Thời gian học trễ thì cũng nhau trễ sẽ dễ quản lý và đồng bộ hơn trong công tác quản lý của ngành giáo dục. Hiện tại, diễn biến của dịch bệnh đang phức tạp, ai dám chắc được là tại địa phương nào không có dịch nếu như chưa đến đỉnh điểm?
Có cần phải vội cho các cháu đi học không? Có người nào dám khẳng định rằng địa phương tôi quản lý an toàn không? Việc đảm bảo sức khỏe cho các cháu là cần thiết.Việc học có thể học bù và các kỳ thi thì có thể trễ hơn. Tuổi học sinh hiếu động, kể các cấp CĐ, ĐH. Nếu vội vàng sợ không đạt thành tích giáo dục trong năm mà buộc đi học lại trong khi chuyển biến dịch bệnh khó lường thì sẽ rất nguy hiểm. Gia đình, nhà trường và xã hội phải chung tay bảo vệ sức khỏe cho các cháu trong thời điểm dịch bệnh này. Theo tôi, cứ cho nghỉ học đến hết dịch thì cho học lại, kể cả phải học bù vào các tháng hè.
Nên nghỉ thêm đến khi dịch được kiểm soát ổn định. Nghỉ lúc nào cũng là nghỉ, không nghỉ hè thì nghỉ đông. Là cha mẹ, tôi sẵn sàng cho con đi học cả ba tháng hè còn hơn cho bé đi học trong điều kiện an toàn mong manh trước dịch bệnh còn đang căng thẳng. Đề nghị thầy cô tăng cường gửi thêm các bài tập để các con ôn luyện ở nhà. Các phụ huynh neo người cũng cố gắng thu xếp qua thời gian này. Tính mạng sức khỏe của các con là trên hết.
Trong khi đó, không ít phụ huynh lại đồng tình với phương án cho học sinh đi học lại, đồng thời nhấn mạnh không nên quá hoang mang trước dịch bệnh mà làm ảnh đình trệ nhiều mặt của đời sống, xã hội:
Tôi có nói nhiều lần, quý vị mà sợ và lo cho con thì cứ cho nghỉ. Cứ nghỉ cho đủ 45 ngày rồi học lại vẫn không sao. Đừng vì lo cho con mình mà "lo giùm" cho hàng triệu gia đình khác. Con tôi vẫn muốn đi học và tôi đồng ý. Tôi chỉ phát biểu tiếng nói cá nhân, tôi quan tâm con nhưng tôi yên tâm vào Bộ Y tế kiểm soát tốt dịch và đồng ý cho con tôi học.
Bạn cứ giữ con bạn ở nhà cho tới cái ngày cả thế giới không một ca nào nhiễm thêm nữa. Đây như một cuộc họp phụ huynh, bạn muốn nghỉ, tôi muốn học, và cái quyền được giáo dục là quyền cơ bản của con người. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của Bộ Y tế và khả năng đánh giá tình hình của Bộ Giáo dục, tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào các cơ quan có chức năng chống dịch, nên cá nhân tôi cho con đi học. Ai muốn nghỉ thì nghỉ, muốn học thì học, Bộ cứ quyết định, tôi ủng hộ theo quyết định.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Bộ Y tế. Tôi thông cảm với sự lo lắng của các phụ huynh, tuy nhiên, tôi tin vào các đánh giá chuyên môn của các cơ quan chức năng. Việc cho các cháu đi học lại là phù hợp. Hơn nữa, Việt Nam là nước duy nhất bị gián đoạn các hoạt động kinh tế xã hội lớn trong khi mức độ phát tán dịch là rất thấp và đang được kiểm soát tốt. Tâm lý lo sợ nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với nguyên nhân gây ra trạng thái đó.
Phải nói rõ là tôi có hai cháu nhỏ đang học cấp 1. Tôi cũng có các lo lắng cho sức khoẻ con mình như các phụ huynh khác. Việc phòng chống dịch là việc phải làm và các cơ quan chức năng đang làm và có kết quả tốt cho tới nay. Điều tôi muốn nhấn mạnh là mọi hành động xử lý khủng hoảng cần là kết quả của các phân tích có chuyên môn, định lượng. Phản ứng cảm tính và thái quá sẽ gây ra các thiệt hại về kinh tế, ổn định xã hội, mà không hoặc đạt được hiệu quả rất ít.
Tôi ví dụ, ai đảm bảo các cháu học sinh cấp 2, 3 hoặc đại học sẽ ngồi yên ở nhà. Nhiều khả năng các cháu sẽ tụ tập, đi chơi, di chuyển nhiều trên các địa điểm khác nhau. Tôi cho rằng như vậy sẽ làm tăng nguy cơ phát tán dịch nếu có. Sẽ hiệu quả hơn nếu các cháu đi học bình thường và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, do nhà trường hướng dẫn.
Tôi không muốn cho con tôi nghỉ học nữa. Thứ nhất, tôi phải đi làm kiếm tiền nuôi con tôi. Thứ hai, con tôi ở nhà với ông bà nhưng chỉ chơi điện thoại, xem tivi suốt ngày vì ông bà già, không thể chơi con tôi được. Nghỉ nữa là tôi và con tôi đều gặp họa vì bé bị quen, không muốn đi học nữa, chỉ đòi ở nhà chơi điện thoại.
Gần tháng nay mới có 14 người bị nhiễn nCoV, ra viện 3 người, chưa có ai chết, có cách phòng chống dù chưa đạt 100% nhưng hiệu quả rất cao nếu cả nước thực hiện đúng hướng dẫn thì các bạn lại lo sợ thà cho con em nghỉ học ở nhà cả năm, vài năm nếu chưa tìm được vaccine hay thuốc đặc trị, vậy có vô lý lắm không?
Nghỉ nhiều thì học bù nhiều lúc đó lại kêu học nhiều. Ở Nhật, dịch và người bệnh gấp nhiều lần Việt Nam nhưng các hoạt động học tập du lịch và sinh hoạt hết sức bình thường, lễ hội vẫn tấp nập. Tự biết cách phòng bệnh là an toàn hết. Còn cứ lo nghĩ thái quá, e rằng chưa bệnh do virus corona thì đã mắc bệnh khác rồi.
Bố mẹ nào sợ thì cho con ở nhà, năm sau học tiếp. Trẻ em có sức đề kháng rất tốt với virus corona, hơn nữa 80 triệu người Việt Nam vài ngày mới phát hiện được một trường hợp, tỷ lệ này quá nhỏ. Các địa phương không có dịch không cần "chuyện bé xé ra to" mà ảnh hưởng tới việc học hành của các cháu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.