"Tại sao phải đấu sáu vòng bắt buộc? Sao không nâng giá trị đất khởi điểm luôn từ đầu là 20 triệu đồng mỗi m2 để làm cơ sở nộp tiền đặt cọc? Như vậy, chỉ cần đấu một vòng là đủ, ai trả giá cao thì trúng, nếu trúng mà không nộp tiền thì sẽ bị mất cọc ít nhất 20% của hai tỷ đồng (khoảng 400 triệu).
Trong khi đó, quy chế hiện tại lại yêu cầu đấu giá sáu vòng bắt buộc, tạo kẽ hở cho các đối tượng trả giá trên trời các vòng trước đó để loại hết các đối thủ. Đến vòng cuối cùng, khi không còn ai có thể trả giá trên giá vòng năm, đồng nghĩa với không ai trúng đấu giá và người trả giá 30 tỷ đồng một m2 kia vẫn được trả lại tiền cọc, chỉ có giá đất là bị thổi phồng lên phi lý.
Đề nghị cấp có thẩm quyền bỏ quy định đấu giá sáu vòng, mà nên nâng giá trị khởi điểm và tiền cọc bằng giá tối thiểu của sáu vòng để làm căn cứ đấu giá. Làm vậy, chỉ cần đấu một vòng duy nhất giống như các tỉnh đang làm".
Đó là thắc mắc của độc giả Bi boong xung quanh phiên đấu giá trả '30 tỷ đồng một m2' vừa diễn ra ở Sóc Sơn, Hà Nội ngày 29/11. Cụ thể, 58 lô đất diện tích 90-224 m2 được đấu với giá khởi điểm 2,48 triệu đồng một m2. Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu sáu vòng bắt buộc. Tại vòng thứ năm, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường (lên tới 30 tỷ đồng một m2). Tuy nhiên, đến vòng đấu cuối cùng, các khách hàng này không tiếp tục trả giá nữa. Vì vậy, các lô đó không thể đấu giá thành công.
Nhận định về những điểm bất thường của phiên đấu giá đất nói trên, bạn đọc Phong đặt dấu hỏi: "Tại sao lại phải đấu giá đến sáu vòng? Người bình thường cũng nhìn ra kẽ hở là khi nhóm đối tượng muốn làm giá bất động sản sẽ chỉ cần trả giá thật cao đến vòng năm, rồi bỏ vòng sáu là xong. Như thế, họ âm thầm thổi giá rất cao bất động sản khu vực đó. Luật đấu giá đấu thầu hiện nay rõ ràng vẫn còn rất nhiều bất cập".
>> 80% bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai, Hà Nội
Cùng chung quan điểm, độc giả Anonymous V nhấn mạnh giải pháp để ngăn tình trạng đấu giá đất cao bất thường: "Không nhất thiết phải chờ hết sáu vòng đấu giá. Tại sao không quy định ai trả giá cao nhất ở bất kỳ vòng nào, mà không ai trả cao hơn, thì nghiễm nhiên giá đó có hiệu lực, người trả giá cao nhất sẽ trúng lô đất đó? Như thế mới tránh được trường hợp phá buổi đấu giá như hiện nay. Cũng cần có thêm chế tài để hạn chế người trả giá cao rồi bỏ cọc, ví dụ: phạt tiền trực tiếp (dựa trên giá trị lô đất đã đấu giá), hay tái phạm (bỏ cọc) nhiều lần sẽ xử lý hình sự... Các quy định của đấu giá hiện nay còn khá lỏng lẻo".
Bạn đọc Congtysrc bổ sung thêm: "Cần tăng tỷ lệ cọc lên trên 30%. Đồng thời bổ sung quy định: ngay sau khi công bố người đứng nhất đấu giá (chưa gọi là thắng) , thì người đó phải chuyển khoản ngay lập tức thêm 30% giá vừa đặt trong vòng một giờ. Nếu không thực hiện thì không thể tuyên bố đó là người thắng đấu giá và việc mất cọc sẽ có hiệu lực ngay tức thì. Khi đó, người về nhì sẽ có quyền thực hiện chuyển khoản 30% (hoặc cao hơn) và được tuyên bố là người thắng ngay trong ngày hôm đó.
Làm được điều này, chúng ta sẽ loại bỏ được hai thành phần: Một là những người chỉ tìm cách phá đấu giá chứ không mua thật; hai là người có ý định mua nhưng không có thực lực (vì sau khi được xem là trúng giá, họ mới đi vay mượn tứ phương và dễ bỏ cọc). Ngoài ra, luật đấu giá không nên chốt một tỷ lệ đặt cọc, mà cần quy định mức cọc sàn và trần (ví dụ từ 10% đến 50%). Công ty đấu giá có quyền chọn mức cọc sao cho cuộc đấu giá phải thành, có nhiều người tham gia và không có chuyện bỏ cọc".
- 'Trúng đấu giá đất hơn 15 tỷ nhưng chỉ phải đặt cọc 130 triệu đồng'
- Ai sẽ mua lại đất làng 133 triệu một m2 sau đấu giá?
- 'Cọc một tỷ đồng đấu giá 10 lô đất để kiếm lời vài trăm triệu'
- 'Bỏ tiền tỷ mua đất huyện vùng ven Hà Nội giá hơn 100 triệu đồng một m2'
- Siết chặt đấu giá đất
- Đất tăng giá 30 cây vàng sau nửa năm