"Việc bỏ cọc đấu giá có nhiều nguyên nhân, ví dụ như giá khởi điểm chưa sát với thực tế, số tiền cọc còn ít. Có thể khắc phục bằng cách nghiên cứu giá khởi điểm sát với thực tế, khi trúng đấu giá phải nộp bổ sung tiền cọc tương ứng với giá trị đấu giá (chẳng hạn thanh toán trước 20% giá trị đất và trong thời hạn 30 ngày nếu không nộp bổ sung sẽ mất cọc)".
Đó là quan điểm của độc giả Dung le tuan về thực trạng 80% nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá ở Thanh Oai thời gian qua. Trong đó, toàn bộ các lô đất có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng một m2 đều không nộp tiền. Điều này cho thấy 80% người trúng thuộc nhóm đầu tư, đầu cơ, không có nhu cầu sử dụng thực. Việc đẩy giá trúng lên cao nhưng không nộp tiền tại huyện ven Hà Nội là "chiêu bài" không mới, song tạo nhiều hệ lụy khiến thị trường bất ổn, đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận xã hội.
Làm gì để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất? Độc giả Nguyễn Hùng cho rằng: "Theo tôi, cần tăng số tiền đặt cọc đấu giá đất lên. Trong khi trả giá đấu thầu, người đấu giá cần bổ sung tiền đặt cọc theo tỷ lệ trả giá. Biện pháp này sẽ hạn chế tình trạng bỏ cọc. Thực tế, rất khó có thể bán các lô đất thổ cư xung quanh khu đất đấu giá theo giá trúng thầu vì người mua sẽ chọn mua đất khu vực khác rẻ hơn.
Cách thổi giá đất lấy neo giá trúng thầu sẽ không hiệu quả, nếu có chỉ diễn ra nhỏ lẻ trong thời gian rất ngắn giữa các nhà đầu tư lướt sóng, rồi sau đó giá đất sẽ trở lại giá trị thật của thị trường. Theo tôi, cứ mở lại thầu đất vài vòng nữa rồi giá trả thầu sẽ càng xuống thấp. Các nhà đầu tư 'lướt sóng' và 'cò đất' sẽ biến mất dần.
>> Tiền 'chết' trong những lô đất huyện đấu giá 133 triệu đồng một m2
Đồng quan điểm, độc giả Anh Qlđt ủng hộ giải pháp nâng mức cọc đấu giá đất: "Tôi đã nói nhiều lần về việc quy định tiền cọc của Luật đấu giá hiện tại quá thấp (20% giá khởi điểm). Đây chính là kẽ hở cho việc bỏ cọc diễn ra dễ dàng. Thế nhưng, đến nay, chúng ra vẫn chưa xử lý được kẽ hở này. Theo tôi, cần phải nâng mức tiền cọc lên tối thiểu 50% giá khởi điểm tùy theo giá trị và tính chất cụ thể của tài sản đấu giá. Đồng thời, cũng cần có chế tài khác nữa đối với những người bỏ cọc thì công tác đấu giá mới có hiệu quả".
"Theo tôi, để hạn chế việc làm loạn thị trường bất động sản thì việc đấu giá nên: ngoài số tiền nhỏ đặt cọc ban đầu theo giá khởi điểm Nhà nước niêm yết thì phải yêu cầu người tham gia đấu giá đặt cọc tiếp 30% trị giá của lô đất cứ sau mỗi lần lên một mặt bằng giá mới và không được hủy ngang. Người trúng đấu giá sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đủ số tiền cọc sau 30 ngày và nếu bỏ cọc sẽ bị cấm tham dự đấu giá 5 năm tiếp theo. Chứ cứ đấu giá cao rồi bỏ cọc kiểu này thì chỉ thêm loạn thị trường mà thôi", bạn đọc Chungckvn nói thêm.
Trong khi đó, độc giả Thucmauvan lại cho rằng tăng mức giá khởi điểm mới là giải pháp hữu hiệu: "Tại sao không nâng mức giá khởi điểm lên ngay từ đầu, và chỉ cần tiến hành đấu giá một vài vòng thôi? Đằng này, chúng ta cứ để mức giá khởi điểm thấp rồi bắt đấu tới sáu vòng để ra giá khởi điểm thực tế. Như vậy sẽ chỉ có tác dụng bán được nhiều hồ sơ, nhưng lại tốn nguồn lực, công sức, thời gian. Hơn nữa, việc giá khởi điểm thấp, giá trúng đấu giá lại quá cao còn tạo tâm lý FOMO, từ đó đẩy giá trúng lên cao vô lý".
- 'Cọc một tỷ đồng đấu giá 10 lô đất để kiếm lời vài trăm triệu'
- 'Bỏ tiền tỷ mua đất huyện vùng ven Hà Nội giá hơn 100 triệu đồng một m2'
- Siết chặt đấu giá đất
- Tôi nhụt chí làm ăn vì thua người ngồi không ôm đất
- 'Làm gì cũng không bằng buôn đất'
- Tôi khó dứt khỏi nghề buôn đất