"Chiến dịch chống khủng bố đã được khởi động. Lực lượng hành pháp đang nỗ lực hết sức. Trật tự hiến pháp phần lớn được khôi phục trên khắp cả nước", Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết hôm nay.
Bộ Nội vụ Kazakhstan sau đó thông báo "26 tên tội phạm vũ trang đã bị tiêu diệt" và hơn 3.000 nghi phạm bị bắt, trong khi 18 cảnh sát và lính vệ binh quốc gia đã thiệt mạng từ khi biểu tình bùng phát thành bạo lực.
"Các chính quyền địa phương đang kiểm soát tình hình, nhưng các phần tử khủng bố vẫn đang sở hữu vũ khí và phá hoại tài sản người dân. Điều đó khiến chiến dịch chống khủng bố sẽ được duy trì đến khi những kẻ này bị tiêu diệt hoàn toàn", Tổng thống Tokayev nói thêm.
Nhân chứng cho biết nhiều xe thiết giáp chở quân và binh sĩ quân đội đã được triển khai ở quảng trường trung tâm thành phố Almaty lớn nhất Kazakhstan.
Chính quyền Tổng thống Tokayev cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã có mặt tại Kazakhstan nhưng "không tham gia chiến đấu hay tiêu diệt các phần tử vũ trang".
Biểu tình bùng phát ở Kazakhstan từ đầu tháng để phản đối chính phủ quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ngày 5/1 đề nghị CSTO do Nga đứng đầu hỗ trợ Kazakhstan ổn định trình hình sau khi các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo động.
Kazakhstan, quốc gia có diện tích lớn thứ 9 thế giới, là một trong những đối tác quan trọng cho ổn định của Nga trong không gian hậu Xô Viết. Moskva đang vận hành sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan, nơi phóng tàu vũ trụ có người lái của họ, đồng thời tổ chức thử nghiệm tên lửa tại thao trường Sary Shagan tại quốc gia Trung Á. Đây được coi là những lý do quan trọng khiến Nga không thể "khoanh tay" trước cuộc khủng hoảng Kazakhstan.
Vũ Anh (Theo Reuters)