Tổng cộng, 5.135 người đã bị bắt để thẩm vấn trong 125 cuộc điều tra riêng biệt về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại Kazakhstan suốt nhiều thập kỷ. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại về tài sản lên tới gần 200 triệu USD. Hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng bị tấn công, cướp bóc và hơn 400 phương tiện giao thông bị đốt phá.
Theo Bộ Y tế Kazakhstan, bạo lực đã khiến 164 người thiệt mạng, trong đó 103 người ở thành phố Almaty, nơi xảy ra bạo loạn nghiêm trọng nhất.
"Đến nay tình hình đã ổn định trở lại ở tất cả các khu vực của đất nước", Bộ trưởng Nội vụ Erlan Turgumbayev cho hay, thêm rằng "hoạt động chống khủng bố đang tiếp tục được triển khai nhằm tái lập trật tự".
Biểu tình bùng phát ở Kazakhstan từ đầu tháng để phản đối chính phủ quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Biểu tình sau đó nhanh chóng lan rộng ra các địa phương rồi leo thang thành bạo loạn ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan.
Khi biểu tình tăng nhiệt, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đề nghị Nga và Tổ chức Hiệp ước An tinh Tập thể (CSTO) triển khai lực lượng đến nước này gìn giữ hòa bình. Nga nhanh chóng điều 3.000 quân cùng nhiều khí tài tới Kazakhstan thực hiện nhiệm vụ, giúp xoay chuyển tình thế.
Tổng thống Tokayev ngày 7/1 tuyên bố từ chối đàm phán với người biểu tình, cho rằng đây là "điều vô nghĩa" khi các phần tử quá khích gây bạo loạn, đốt phá suốt nhiều ngày. Ông nói Kazakhstan đang đối phó với "những đám côn đồ có vũ trang và được huấn luyện" và cho phép lực lượng an ninh nổ súng tiêu diệt.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)