Kamala Harris được xem là chính trị gia quyền lực nhất trong vai trò Phó Tổng thống Mỹ kể từ thời Dick Cheney. Harris, 56 tuổi, được phe Dân chủ coi là ứng viên tiềm năng cho chức tổng thống bởi họ tin Biden, người sẽ bước sang tuổi 78 trong vài tuần tới, sẽ chỉ có thể làm tổng thống trong một nhiệm kỳ.
Nếu điều đó xảy ra, Harris sẽ đóng vai trò đặc biệt, lên lộ trình cho cuộc bầu cử tổng thống của đảng Dân chủ năm 2024 khi bà đóng vai trò Phó Tổng thống cho Biden.
Việc chỉ định Harris làm người cùng tham gia tranh cử với Biden còn có một lý do khác: Bà là phụ nữ da màu đầu tiên của một chính đảng chạy đua vào Nhà Trắng. Sinh trưởng tại bang California, bà thường mô tả về ảnh hưởng từ xuất thân đến việc định hình niềm tin chính trị và đam mê bảo vệ bình đẳng sắc tộc.
Lịch sử gia đình cũng mang đến cho bà một mối liên hệ cá nhân khác thường với nước Anh: Người mẹ Ấn Độ và người cha Jamaica của bà đều lớn lên dưới sự đô hộ của thực dân Anh. Dầu vậy, cả bố và mẹ của Harris đều quyết định không học tập tại Anh mà thay vào đó chọn nhập cư vào Mỹ.
Mẹ của Harris, Shyamala Gopalan theo học tại trường Đại học Lady Irwin - một trong những viện đào tạo khoa học hàng đầu do người Anh thành lập ở New Delhi. Bà ước mơ được tiếp tục nghiên cứu khoa học sâu hơn. Tuy nhiên, không như Anh và Ấn Độ, Mỹ mang đến cho bà cơ hội nghiên cứu về hóa sinh và bà đã quyết định theo học Đại học California ở Berkeley.
Trong khi đó, ở Jamaica, Donald Harris, người giành được một học bổng danh tiếng từ chính quyền thực dân Anh cũng lựa chọn không theo truyền thống sử dụng số tiền này để theo học ở Anh.
Ảnh hưởng của Anh đến xã hội Jamaica, đặc biệt là hệ thống giáo dục đã khiến ông mất đi sự hứng khởi. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông chỉ ra ảnh hưởng rõ rệt đó qua bài hát "Rule, Britannia" (Nước Anh thống trị).
"Hãy đọc ca từ của bài hát, bạn sẽ phải kinh ngạc", ông chia sẻ trên New York Times và mô tả về cái mà ông gọi là "sự cứng nhắc, khắt khe của của những nghi thức, lễ nghi và đẳng cấp xã hội".
Thay vào đó, Donald Harris bị hấp dẫn bởi các phong trào giải phóng dân quyền ở Berkeley. Nước Mỹ, như ông chia sẻ với New York Times, là "một xã hội phức tạp nhưng sống động với sự biến động liên tục về chủng tộc và sắc tộc".
Gopalan và Donald Harris gặp nhau khi các thành viên của một nhóm tri thức nhóm họp tại Berkeley trong những năm 1960m giai đoạn cao trào của phong trào đòi dân quyền tại Mỹ.
"Em gái và tôi thường đùa rằng chúng tôi lớn lên giữa một nhóm những người trưởng thành dành cả ngày để đi tuần hành và hò hét về thứ gọi là công lý", Kamala Harris hào hứng chia sẻ về bước đầu làm quen với các phong trào dân quyền.
Niềm cảm hứng để Harris tham gia hoạt động chính trị còn đến từ bà ngoại, người bà thường xuyên đến thăm tại Ấn Độ khi còn trẻ. Bà PV Gopalan là một nhân viên dân sự làm việc dưới chế độ cai trị của Anh tại Ấn Độ trong những năm 1930.
Trong cuốn tự truyện "The Truths We Hold" (Những sự thật chúng tôi nắm giữ), Harris đã viết về việc bà ngoại đã "bí mật tham gia phong trào giành độc lập cho Ấn Độ" như thế nào.
"Từ ông bà ngoại, mẹ tôi đã học được rằng, phục vụ người khác đem lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời và từ mẹ... tôi cũng học được điều tương tự", Harris viết.
Khi còn là một đứa trẻ, Harris thường theo ông ngoại đi dạo dọc bờ biển ở Chennai và được ông chia sẻ về quan điểm xây dựng một nền dân chủ cũng như những câu chuyện chống lại ách đô hộ của thực dân Anh.
"Khi còn là một bé gái, ông ngoại tôi thường đưa tôi đi dạo buổi sáng ở Ấn Độ, nơi ông sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc đấu tranh vì dân chủ và dân quyền. Cam kết đó cùng với cuộc chiến đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn sống mãi trong tôi cho đến ngày hôm nay", Harris chia sẻ trên Twitter.
"Ông ngoại tôi là một người bảo vệ cho tự do tại Ấn Độ. Những cuộc đi dạo dọc bờ biển Ấn Độ thực sự đã khơi gợi điều gì đó trong tâm trí tôi và dẫn tôi tới chính tôi ngày hôm nay", Harris nói trong một video vận động tranh cử.
Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên với tư cách ứng viên phó tổng thống, Harris đã nói thêm rằng công lý sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào "mỗi thế hệ người Mỹ tiếp tục tuần hành".
Tuy nhiên, Harris cũng bác bỏ ý kiến cho rằng tầm nhìn chính trị của bà là tự do cấp tiến. "Tôi không tìm cách tái cấu trúc xã hội. Tôi chỉ cố gắng quan tâm đến những vấn đề khiến mọi người giật mình thức giấc lúc nửa đêm", Harris chia sẻ hồi năm 2019.
Khánh An (Theo Telegraph)