Các ứng viên thử nghiệm gồm người từ 18 tuổi trở lên, khoẻ mạnh. Thử nghiệm diễn ra tại 180 địa điểm ở Mỹ và các nước khác. Người tham gia được lựa chọn ngẫu nhiên tiêm vaccine hoặc giả dược, từ đó xác định độ an toàn và hiệu quả của vaccine. Các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi người tham gia trong hơn 2 năm.
Ông Jake Sargent, phát ngôn viên J&J, cho biết hôm 20/8: "Giai đoạn 3 đang được đẩy mạnh nhất có thể, tuyển 60.000 người tham gia và thực hiện ở những nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao. Chúng tôi sẽ căn cứ số liệu dịch tễ và mô hình bệnh để quyết định địa điểm thử nghiệm".
Thử nghiệm vaccine của J&J có quy mô lớn nhất toàn thế giới tính đến nay. Các đối thủ của họ là Moderna và Pfizer bắt đầu thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối với khoảng 30.000 tham gia cuối tháng 7.
Vaccine Covid-19 của J&J sử dụng cùng công nghệ bào chế vaccine Ebola, từng được cung cấp cho Congo cuối năm 2019. Vaccine kết hợp nguyên liệu gen nCoV và một loại virus gây cảm lạnh vô hại.
Bộ Y tế Mỹ trước đó đã đạt được thỏa thuận với Janssen, công ty con của J&J, trị giá khoảng 1 tỷ USD cho 100 triệu liều vaccine. Thỏa thuận này cũng kèm điều kiện chính phủ Mỹ có thể mua thêm 200 triệu liều nữa.
J&J có thể sản xuất từ 600 triệu đến 900 triệu liều đến tháng 4 năm sau, nếu vaccine hoạt động có hiệu quả. Hãng dự tính vaccine có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào đầu năm 2021.
Vaccin đang là niềm hy vọng của nhân loại để có thể thoát khỏi Covid-19, bệnh dịch lây lan toàn cầu với hơn 23 triệu người nhiễm và hơn 803.000 người tử vong. Theo WHO, có hơn 160 vaccine đang được điều chế và phát triển toàn cầu, ít nhất 30 loại bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Nguyễn Ngọc (Theo CNBC)