Hôm 20/8, Ủy ban châu Âu và đơn vị này kết thúc phiên thương lượng đầu tiên, bước tiếp theo là bắt đầu đàm phán hợp đồng với CureVac. Đây có thể là thỏa thuận cung cấp song phương đầu tiên của công ty với mục tiêu đảm bảo cung cấp vaccine cho 27 quốc gia thành viên EU, ngay khi vaccine được chứng minh an toàn và hiệu quả. CureVac cho biết, cuộc đàm phán bao gồm lựa chọn cung cấp thêm 180 triệu liều bổ sung.
Tuần trước EU cũng đã đồng ý thỏa thuận mua trước ít nhất 300 triệu liều vaccine của AstraZeneca kết hợp Đại học Oxford. Cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu vẫn đang thương thảo với hãng dược Johnson & Johnson và Sanofi về loại vaccine tiềm năng.
Tháng trước, Uỷ ban châu Âu vẫn đang thương thảo với hai công ty công nghệ sinh học khác là Moderna của Mỹ và BioNtech của Đức. Hiện BioNtech đang hợp tác cùng công ty dược phẩm Pfizer, phát triển một vaccine tiềm năng.
Phương pháp của CureVac dựa trên ARN thông tin, các đoạn mã di truyền thúc đẩy các tế bào con người tạo ra protein điều trị. Moderna và BioNTech sử dụng công nghệ tương tự.
CureVac cho biết dựa trên kết quả thử nghiệm vaccine hiện tại, có thể bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn trên người vào quý 4 năm nay.
Ủy ban cho biết nguồn tài trợ sẽ được cung cấp thông qua một quỹ khẩn cấp của EU. Trong đó khoảng 2 tỷ euro (tương đương 2,37 tỷ USD) có thể được sử dụng để tài trợ cho các giao dịch mua trước.
Trong các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, EU thường đề nghị tài trợ một số chi phí phát triển trả trước, nhằm đổi lấy quyền mua nhanh chóng khi vaccine thành công. Việc mua thực tế sẽ được quyết định ở giai đoạn sau bởi mỗi quốc gia EU.
Nguyễn Ngọc (Theo Reuters)