Tuần qua, John Galliano ra mắt bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 2020 dành cho Maison Margiela bằng bộ phim tài liệu thời trang, nghệ thuật dài 50 phút. SWALK (Sealed With A Loving Kiss - niêm phong thư bằng nụ hôn yêu dấu) lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc thế kỷ 19, những thiết kế trong bộ sưu tập Fallen Angels đình đám năm 1986 của Galliano. Trong vòng hai tháng, nhiếp ảnh gia Nick Knight ghi hình người mẫu và quá trình thực hiện bộ sưu tập qua các phần mềm Zoom, Facetime, camera giám sát... Galliano muốn thông qua bộ phim, phá vỡ định kiến việc công nghệ làm mất đi cảm giác, cảm xúc của thời trang. Vogue và WWD dùng cụm từ "mê hoặc", "tinh tế" để nói về bộ phim.
John Galliano nhiều lần khiến giới mộ điệu trầm trồ bởi sức sáng tạo. Ông đề cao xu hướng tái chế ở những bộ váy áo từ chợ trời, cửa hàng đồ cũ trong bộ sưu tập Thu Đông 2020, tạo ra thế giới hỗn loạn, màu mè đan xen tối giản ở mùa mốt Haute Couture 2019. Ông kết hợp điện thoại, gậy selfie, kính mắt 3D với thời trang, khám phá chủ nghĩa vị lai qua bộ sưu tập xa xỉ thu 2018. Mùa xuân cùng năm, Galliano sử dụng loại vải đặc biệt, khuyến khích khách mời bật đèn flash chụp hình người mẫu, từ đó nhìn thấy trang phục phản chiếu ánh sáng thành màu cầu vồng...
Nhờ tài năng, Galliano bốn lần được Hội đồng thời trang Anh trao giải "Nhà thiết kế của năm" vào năm 1987, 1994, 1995 và 1997. Trong cuộc thăm dò năm 2004 của BBC, ông vào danh sách những người có ảnh hưởng tới văn hóa Anh, bên cạnh nhà văn J.K Rowling, diễn viên Ricky Gervais, Ewan McGregor, nhà thiết kế công nghệ Jonathan Ive.
Con đường thời trang của John Galliano đầy thăng trầm. Sinh năm 1960 tại Anh, cậu bé Galliano trải qua sáu năm đầu đời ở vùng Gibraltar nắng, gió trước khi gia đình chuyển tới Battersea - vùng ngoại ô nghèo phía nam London. Galliano không thể hòa nhập, thường xuyên bị bắt nạt bởi sở thích ăn diện, tính cách yếu đuối. Cậu thiếu niên luôn phải kìm nén xu hướng giới tính khác biệt và nhiều sở thích nữ tính trước người bố gia trưởng, bạo lực.
Phải đến khi nhập học Central Saint Martins - trường nghệ thuật và thiết kế danh giá tại London năm 1980, năng khiếu của Galliano mới được đánh giá cao. Suốt 20 năm, lần đầu tiên ông được tán thưởng bởi phong cách lập dị từng bị chế giễu. Galliano làm thêm để lo học phí. Công việc thợ sửa quần áo tại một nhà hát khiến cậu thanh niên học cách bảo quản các loại vải, chứng kiến quần áo giúp diễn viên kể những câu chuyện khác nhau.
Năm 1984, Galliano thiết kế bộ sưu tập Les Incroyables lấy cảm hứng từ cách mạng Pháp thế kỷ 18 làm tác phẩm tốt nghiệp. Tám trang phục trong sưu tập gây tiếng vang. Joan Burstein - chủ Browns, một trong những cửa hàng thời trang lớn - đã mua trọn bộ và ca ngợi tinh thần tự do, táo bạo của tài năng trẻ. Cùng năm, thương hiệu Galliano ra đời. Tuy nhiên, thành công quá sớm khiến ông nhận "trái đắng". Galliano thường bị phàn nàn bởi luôn "đứng trên đỉnh tháp", đưa ra ý tưởng bay bổng nhưng không thể ứng dụng, theo Vogue. Không có khả năng quản lý tài chính, làm đồ khó bán, Galliano gần như phá sản năm 1990.
Nhà thiết kế chuyển tới Paris (Pháp) tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính mới. Tài năng và quyết tâm của Galliano được Anna Wintour - Tổng biên tập Vogue - chú ý. Bà dẫn dắt, giới thiệu ông với một số nhân vật nổi tiếng. Trong mùa mốt Thu Đông 1994, nhà sưu tầm nghệ thuật Saõ Schlumberger cho Galliano mượn biệt thự xa hoa tại Paris làm nơi trình diễn, còn Linda Evangelista, Kate Moss... đồng ý diễn miễn phí. Bộ sưu tập vỏn vẹn 17 mẫu váy bởi kinh phí hạn hẹp, diễn tả nét giao thoa Đông Tây được giới mộ điệu yêu thích, giúp thương hiệu của ông vực dậy. Và tập đoàn xa xỉ LVMH để mắt tới Galliano.
Năm 1995, Galliano thành giám đốc sáng tạo cho Givenchy, là nhà thiết kế người Anh đầu tiên đứng đầu thương hiệu Pháp. Tên tuổi Galliano bay cao với những bộ váy áo lấy cảm hứng từ các chuyện tình trong lịch sử, những thị trấn cổ tích ma quái hay khu rừng rậm trong văn học Shakespeare, kim tự tháp cổ Ai Cập... Vẻ đẹp lãng mạn, cổ điển pha nét kỳ bí, huyền ảo, lộng lẫy được thể hiện tinh tế dưới cái nhìn sắc sảo trở thành phong cách đặc trưng của Galliano.
Đến tháng 10/1996, Galliano gắn bó với Christian Dior. Hãng mốt Pháp dưới thời Galliano lên tới đỉnh cao với nhiều bộ sưu tập ấn tượng từ ứng dụng đến Haute Couture. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp của Galliano, được Vogue ví là nhà vua của lãnh địa Haute Couture.
Nhưng thành công của Galliano được trả giá bằng những cơn nghiện rượu, thuốc phiện, thuốc ngủ, thuốc giảm đau. Từ khi tiếp quản Dior, Galliano thành giám đốc sáng tạo cùng lúc hai thương hiệu. Công việc kéo dài liên tục gần 17 năm, có những lúc, nhà mốt phải làm 32 bộ sưu tập trong một năm cho John Galliano và Dior. Rượu và thuốc thành "bạn", giúp nhà tạo mẫu giải tỏa căng thẳng, nhưng cũng khiến sức khỏe và tinh thần ông suy kiệt. Năm 2011, một đoạn video 45 giây ghi lại cảnh ông xúc phạm cặp vợ chồng Do Thái tại quán bar trong tình trạng say thuốc. Hành động phân biệt chủng tộc khiến cả làng mốt bàng hoàng. Galliano cùng lúc bị sa thải khỏi Dior và thương hiệu mang tên ông gần như biến mất khỏi làng mốt.
Niềm đam mê thiết kế một lần nữa vực dậy tinh thần cho Galliano. Khao khát làm lại từ đầu, Galliano bình tĩnh, chín chắn hơn. Hai năm sau bê bối, ông cùng bạn trai Alexis Roche dọn đến tòa nhà gần nơi xảy ra vụ ẩu đả, như tự nhắc nhở chính mình. Ông cai nghiện, công khai thừa nhận sai lầm và tích cực sửa chữa bằng việc gặp gỡ, trò chuyện với cộng đồng Do Thái.
Nhận thấy sự thành tâm của Galliano, Anna Wintour một lần nữa giới thiệu ông với Oscar de la Renta. Ông được nhận vào làm tại xưởng của nhà mốt Mỹ trong vài tuần với vị trí thiết kế cho bộ sưu tập Thu Đông 2013. Oscar de la Renta khi đó nói với Vanity Fair: "Tôi nghĩ Galliano xứng đáng có cơ hội thứ hai". Ở hậu trường, Galliano đứng một góc dè dặt, toàn thân run lên vì vui mừng ngày được trở lại. Tháng 6/2013, cuộc phỏng vấn đầu tiên của John Galliano kể từ khi bị đuổi khỏi Christian Dior được phát trên truyền hình Mỹ. Cuộc trò chuyện kết thúc bằng câu nói: "Tôi có thể thay đổi. Tôi sẵn sàng thay đổi... Tôi hy vọng hành động chuộc tội có thể giúp tôi có cơ hội thứ hai".
Năm 2014, nhà mốt thành giám đốc sáng tạo cho Maison Margiela, đánh dấu sự trở lại thuộc địa xa xỉ. Bộ sưu tập đầu tiên của Galliano dành cho hãng mốt Pháp ra mắt tháng 1/2015 gây xôn xao. "Nhà vua trở lại", "Thời đại mới mở ra"... là những cái tít nổi lên trên khắp mặt báo và mạng xã hội. Theo Guardian, tín đồ, các nhà mốt và biên tập viên thời trang đã chờ đợi thời khắc này từ rất lâu.
5 năm ở Maison Margiela, Galliano vẫn liên tục tìm tòi, sáng tạo, tiếp cận công nghệ và xu hướng bền vững. Cây bút Steff Yotka của Vogue bình luận: "Dù một thập kỷ thời trang được viết bằng tên mình, Galliano vẫn từ chối nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế". Galliano chưa bao giờ dừng lại trong cuộc chinh phục những đỉnh cao mới, như lời hứa ông nói với Anna Wintour hồi tháng 6: "Đây là cuộc phiêu lưu. Tôi sẽ chiến đấu tới cùng để vươn tới tự do trong sáng tạo".
Bảo Thư