Năm 2011, thời điểm Trung Quốc chuẩn bị bổ nhiệm lãnh đạo mới, Barack Obama đang là tổng thống Mỹ. Trợ lý của ông muốn tìm hiểu rõ hơn về Tập Cận Bình, người mà họ dự đoán sẽ nắm quyền lực ở Trung Quốc, và nhiệm vụ này được giao cho Joe Biden, cấp phó của Obama.
Ông Tập khi đó là phó chủ tịch Trung Quốc và Biden là người đồng cấp đối thoại trực tiếp. Obama và trợ lý của ông hy vọng kinh nghiệm ngoại giao mấy chục năm cùng khả năng dễ chiếm cảm tình của Biden sẽ giúp "thấu hiểu" ông Tập.
Trong suốt 18 tháng kể từ đầu năm 2011, Biden và ông Tập đã gặp nhau ít nhất 8 lần, cả ở Mỹ và Trung Quốc, theo nhiều cựu quan chức Mỹ. Họ cùng nhau đi bộ, chơi bóng rổ tại một trường học vùng nông thôn Trung Quốc và ăn tối riêng với nhau trong tổng cộng 25 tiếng, chỉ có sự góp mặt của người phiên dịch. Biden đã nhanh chóng thiết lập "mối quan hệ cá nhân" với lãnh đạo Trung Quốc.
"Ông ấy rất giỏi trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân và khiến ông Tập mở lòng", Daniel Russel, trợ lý của Biden, nói. Những thông tin về Biden thu thập được, đặc biệt là các đánh giá về dự định của ông Tập, đã giúp Obama xây dựng chiến lược tiếp cận với Trung Quốc sau này.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra với Tổng thống Donald Trump, Biden không chỉ tìm cách "ghi điểm" với cử tri bằng các đề xuất chính sách, mà còn là kinh nghiệm ngoại giao nhiều năm qua, điều mà ông có thể gọi là sức mạnh của phong cách ngoại giao không chính thức. "Tôi có thể đối thoại với mọi lãnh đạo thế giới. Họ biết tôi và tôi cũng biết họ", ông nói với người ủng hộ hồi tháng 12/2019.
Brett McGurk, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ trong chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cho biết Biden là nhà ngoại giao hiệu quả với chiến lược "thấu cảm".
Theo giới quan sát, Biden là người có chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa thực dụng, không phải lý thuyết suông và mọi quan điểm của ông đều theo tư tưởng của đảng Dân chủ. 10 năm trước Chiến tranh Iraq, Biden từng nổi tiếng là người thuộc phe diều hâu, nhưng càng gần đây, ông lại ngày càng tỏ ra hoài nghi về sự can thiệp nước ngoài.
Trong chiến dịch tranh cử, thay vì đề ra một chiến lược lớn, ông đưa ra phong cách ngoại giao mang tính cá nhân tự đúc kết trong hàng chục năm. Đó là cách tiếp cận dựa trên niềm tin rằng sự thấu hiểu đối với lãnh đạo khác về "điều họ muốn và điều họ cần" quan trọng như thấu hiểu về chính đất nước của họ, theo James Rubin, cựu trợ lý của Biden.
"Nó rất giống phong cách của Lyndon Johnson", Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Washington, so sánh Biden với tổng thống thứ 36 của Mỹ.
Không lâu sau khi nhậm chức hồi tháng 1/2001, tổng thống George W. Bush đã mời Biden tới Phòng Bầu dục. Là người chưa có nhiều kinh nghiệm về chính sách ngoại giao, ông Bush muốn tìm hiểu các thông tin về lãnh đạo thế giới mà ông sớm phải tiếp xúc. Biden về sau viết rằng Bush "có nhiều người am hiểu về chính sách ngoại giao khác để nói chuyện, nhưng ông muốn trao đổi với một chính trị gia, người từng ngồi chung bàn với các lãnh đạo và có thể đọc được tính cách cá nhân hay động cơ của người đó".
Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị ở Washington, Biden đã dành ưu tiên cho chính sách đối ngoại, thích tạo dựng mối quan hệ cá nhân hơn là nghiên cứu các cuốn sách về ngoại giao. "Người Trung Quốc có một câu nói rằng thà đi 10.000 dặm còn hơn đọc 10.000 cuốn sách", Biden nói.
Năm 1979, Biden, khi đó 37 tuổi, đã gặp lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh và nắm được "nỗi sợ Liên Xô" của cố lãnh đạo này. Cùng năm đó, Biden tới Moskva để đàm phán vũ khí hạt nhân với quan chức điện Kremlin, trong đó có lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev.
Trong lần tranh cử tổng thống đầu tiên năm 1988, Biden đã tự coi mình là nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Sau khi rút khỏi chiến dịch, Biden đã sử dụng thâm niên của mình trong Ủy ban Đối ngoại để nâng tên tuổi của ông trong các vấn đề toàn cầu. Ông phản đối Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, nhưng vài năm sau, ông là một trong số ít người kêu gọi tổng thống Bill Clinton hành động quân sự ở vùng Balkan.
Khi Obama chọn Biden là cấp phó trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, một phần vì kinh nghiệm ngoại giao của ông, Biden đã tạo ra sự tương phản rõ rệt với Sarah Palin, đối thủ đến từ đảng Cộng hòa. Văn phòng của Biden đã công bố danh sách "chưa đầy đủ" về gần 150 lãnh đạo của khoảng 60 quốc gia mà ông từng gặp trong sự nghiệp của mình, bao gồm 9 ngoại trưởng Israel, 6 lãnh đạo Nga, 5 thủ tướng Đức, cùng với Nữ hoàng Elizabeth II, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Lựa chọn Biden, Obama đã bỏ qua việc cấp phó của mình từng bỏ phiếu tán thành cuộc chiến tranh Iraq năm 2002, để giao nhiệm vụ giám sát quốc gia này thời hậu chiến. Obama khi đó với các trợ lý rằng "ông ấy hiểu rõ các đối thủ".
Biden và Obama đã tạo ra một bộ đôi ngoại giao kỳ lạ. Đối với nhiều lãnh đạo nước ngoài thấy Obama xa cách và khó tạo quan hệ, Biden giống như "liều thuốc giải".
"Trong các cuộc gọi của mình, Biden thường dành nhiều phút để nói về cuộc sống của một người khác, họ đang thấy thế nào hay gia đình họ ra sao", Ben Rhodes, cựu trợ lý cấp cao về chính sách ngoại giao của Obama, kể. "Ông ấy từng khoe biết tất cả tên cháu của Masoud Barzani, lãnh đạo người Kurd ở Iraq. Quan điểm của ông ấy là 'vì tôi biết tên tất cả cháu ngài, tôi có thể yêu cầu ngài làm vài điều khó khăn'".
"Điều này trái ngược hoàn toàn với Obama. Ông ấy thường muốn đề cập ngay vào vấn đề chính", Rhodes nói thêm.
Đối với Biden, đây không chỉ là phong cách cá nhân mà còn là triết lý, điều mà ông từng nói là "thường khiến các nhà ngoại giao thực thụ phát điên".
Một trong những người bạn lãnh đạo lâu năm nhất của Biden là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Có thời điểm, Netanyahu từng để trong phòng làm việc một bức ảnh được Biden gửi tặng với dòng chữ "Bibi (Benjamin): Tôi không đồng ý về một điều vớ vẩn nào đó, nhưng tôi yêu bạn - Joe Biden", theo trợ lý của cựu phó tổng thống Mỹ chia sẻ.
Mối quan hệ giữa họ đã được kiểm chứng khi Biden tới thăm Israel hồi tháng 3/2010 và biết rằng chính quyền của Netanyahu đã chấp thuận xây dựng 1.600 nhà mới cho người Israel trên đất Palestine, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Quan chức Nhà Trắng khi đó rất tức giận và một số thúc giục phó tổng thống nên rời đi trước bữa ăn tối với Thủ tướng Israel.
Nhưng Biden chọn ở lại vì tin rằng ông có thể khuyên giải Netanyahu. "Bibi đã tìm cách giải thích mọi thứ. Biden khi đó tỏ vẻ chán nản và nói 'Thôi nào, Bibi, tôi là Biden. Tôi biết điều gì đang xảy ra'", Dennis Ross, trợ lý của Hội đồng An ninh Quốc gia tham gia chuyến đi, kể lại. Netanyahu sau đó đồng ý hoãn kế hoạch xây dựng khu định cư và cuộc khủng hoảng qua đi.
Ross chia sẻ phương pháp của Biden là "tạo dựng niềm tin và sau đó bạn có thể nói về những điều thực sự khó khăn khi cần".
Tuy nhiên, Biden cũng có lúc thể hiện thế đối đầu. Năm 2015, Biden đã gây sức ép với các lãnh đạo Ukraine sa thải một công tố viên bị cáo buộc tham nhũng để đổi lấy khoản vay một tỷ USD của Mỹ. "Tôi nhìn họ và nói: 'Tôi sẽ rời đi trong 6 giờ nữa. Nếu công tố viên kia không bị sa thải, bạn sẽ không có khoản tiền này'", Biden kể lại năm 2018.
Haqqani, nhà ngoại giao Pakistan, nhớ lại cuộc gặp năm 2009 ở Islamabad giữa Biden và cựu tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, người cho rằng Mỹ sẽ bỏ rơi Afghanistan bởi lính Mỹ sợ chiến đấu ở đó. Biden đã cho thấy "cơn thịnh nộ vừa phải" khi trả lời rằng "Đừng bao giờ nghĩ chúng tôi sợ hãi!".
"Ông ấy có thể thẳng thắn mà không thô lỗ. Đây là một tài sản lớn trong ngoại giao", Haqqani, hiện làm tại Viện Hudson, nói.
Tuy nhiên, Michael Doran, trợ lý an ninh quốc gia dưới thời Bush và hiện làm ở Viện Hudson, cho rằng nhiều lãnh đạo thế giới giờ không xem Biden là người đáng tin cậy, sau những lần phạm sai sót khiến các đồng minh phật ý. "Mối quan hệ và kinh nghiệm của Biden sẽ không còn ý nghĩa gì nếu mọi người không tin tưởng ông ấy", Doran nói.
Về Chủ tịch Tập Cận Bình, Biden từng chia sẻ ông cảm thấy ấn tượng với lãnh đạo Trung Quốc. "Ông ấy là người thông minh. Ông ấy luôn hỏi các câu hỏi mang tính khơi gợi", Biden nói.
Biden cũng từng ca ngợi ông Tập là người "cởi mở và ngay thẳng". Tuy nhiên, giờ đây, khi mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, Biden đã có những lời chỉ trích gay gắt nhắm vào lãnh đạo Trung Quốc.
Cựu phó tổng thống Mỹ cho rằng ông Tập phải chịu trách nhiệm về việc "giấu dịch" ở Vũ Hán hồi tháng 1, khiến thế giới bỏ lỡ "thời điểm vàng" chống Covid-19. Ông cũng chỉ trích việc Bắc Kinh bắt giam nhiều người Duy Ngô Nhĩ.
Tất cả dấu hiệu này có thể cho thấy mối quan hệ thù địch giữa Biden và ông Tập. Tuy nhiên, Biden vẫn không muốn mọi thứ đi quá xa. "Tôi có thể phải đối phó với ông ấy, nhưng tôi không muốn đánh sập mọi cây cầu của mình ở đây", Biden nói.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)