Một loạt cuộc thăm dò gần đây đều mang tới tín hiệu tích cực cho đảng Dân chủ, khi tỷ lệ ủng hộ của cựu phó tổng thống Joe Biden thậm chí lớn hơn Trump ở mức hai con số. Tại nhiều bang chiến địa, Biden cũng dẫn trước Trump, dù sự cách biệt nhỏ hơn. Biden ngày càng lạc quan hơn về triển vọng đảng Dân chủ của ông sẽ chiếm đa số ghế ở Thượng viện, điều mà trước đây họ thậm chí không nghĩ tới.
Từ một người bị Trump bỏ xa về chiến dịch gây quỹ, Biden giờ thường xuyên thu hút hàng triệu đôla. Trong tháng 5, Biden và đảng Dân chủ đã gây quỹ được gần 81 triệu USD, cao hơn Trump 10%, dù chiến dịch tranh cử của Trump đã quyên được tổng số tiền nhiều hơn.
Trong khi đó, Trump đang đối mặt với một trong những giai đoạn khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất mà tổng thống Mỹ từng trải qua. Phản ứng sai lầm trong giai đoạn đầu đại dịch của chính quyền Trump khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu, với hơn 123.000 người chết, đe dọa nỗ lực mở cửa và phục hồi nền kinh tế. Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát Minneapolis ghì gáy gần 9 phút, khiến Trump lún sâu trong khủng hoảng.
Tranh cãi xung quanh hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và hình ảnh những hàng ghế trống trơn trong buổi vận động tranh cử ở Tulsa, bang Oklahoma tuần trước càng khiến nhiều cố vấn của Trump hoài nghi về triển vọng thắng cử.
Dù có nhiều lợi thế, đảng Dân chủ cho rằng chính sự tự tin rằng họ đang làm tốt lại tiềm ẩn nhiều mối lo ngại. Họ lo rằng đại dịch và các biện pháp hạn chế khiến việc bầu cử trở nên khó khăn hơn. Một số khác e ngại về một chiến dịch thông tin sai lệch trong thời gian tới và nguy cơ đảng Dân chủ đang đánh giá thấp khả năng của Trump. Nhiều người khác thì cho rằng đảng Dân chủ có thể chưa hoàn toàn hiểu lý do khiến cử tri ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nhưng hơn hết, điều khiến phe Dân chủ lo sợ nhất chính là thái độ tự mãn về kết quả thăm dò khiến họ "mộng du" về triển vọng thắng cử và phải trả giá bằng thất bại, giống 4 năm trước.
"Cảm giác hiện giờ rất giống năm 2016. Việc cho rằng bạn đã nắm chắc phần thắng trong tay không phải chuyện hay. Điều này chính xác đã xảy ra trong cuộc bầu cử trước", Andrew Werthmann, thành viên hội đồng thành phố Eau Claire, bang Wisconsin, nói.
Nhóm vận động tranh cử của Biden tin rằng con đường dẫn đến chiến thắng của họ đi qua các bang vùng công nghiệp Trung Tây, như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, ba bang mà bà Hillary Clinton đã thua Trump năm 2016. Nhưng họ cũng ngày càng lạc quan về chiến thắng ở các bang chưa từng được nghĩ tới như Arizona, Texas và Georgia. Mục tiêu kép mà họ đặt ra là vừa thu hút cử tri da màu ở vùng đô thị, vừa lôi kéo được cử tri đại học ở vùng ngoại ô, nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ.
"Bản đồ vận động tranh cử mở rộng mà tôi hình dung gồm cả Texas, thậm chí là Nam Carolina và Georgia. Chúng tôi sẽ không bỏ qua bất kỳ phiếu bầu nào", nghị sĩ Cedric L. Richmond, đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử của Biden, nói.
"Chúng ta phải chạy đua như thể đang bị bỏ lại phía sau, dù thực tế là chúng ta đang dẫn trước. Đừng quan tâm về kết quả khảo sát dù chúng chỉ ra chúng ta đang nhiều hơn 2, 5 hay thậm chí 10 điểm", ông nói thêm.
Dù chiến dịch tranh cử của Biden có vẻ tốt hơn Clinton, gần 5 tháng trước ngày bầu cử vẫn là khoảng thời gian đầy thách thức với ông, theo Matt Viser, biên tập viên của Washington Post. Thực tế cho thấy Biden đã thất bại trong việc lôi kéo ủng hộ của người Mỹ gốc Latinh và nhiều cử tri trẻ người da màu vẫn còn nhiều hoài nghi về ứng viên Dân chủ.
Trong khi đó, Trump vẫn duy trì được nhóm cử tri ủng hộ vững chắc. Hai tuần trước, báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp cải thiện đã cho thấy tín hiệu tích cực về triển vọng khôi phục nền kinh tế, khía cạnh mà Trump luôn nhận được ủng hộ nhiều hơn Biden.
Không ít thành viên đảng Dân chủ ở một số bang chủ chốt tin rằng Trump có khả năng phát triển nhóm cử tri ủng hộ không thể lay chuyển. Theo quan điểm của họ, chìa khóa giúp Biden thắng cử nằm ở việc lôi kéo sự ủng hộ của nhóm cử tri Dân chủ không tham gia bỏ phiếu năm 2016.
Chiến dịch tranh cử của Biden đang bắt đầu phối hợp với thành viên đảng Dân chủ ở các bang và kỳ vọng có khoảng 600 nhà tổ chức tranh cử làm việc tại các bang chiến địa vào đầu tháng sau. Chỉ trong tuần qua, chiến dịch của Biden đã tổ chức 39 sự kiện ở Wisconsin, Florida, Arizona và Michigan.
Một số thành viên Dân chủ vẫn lo ngại liệu việc chỉ trích phong trào "Cắt ngân sách cảnh sát" của Biden có khiến ông mất đi thiện cảm của nhóm người biểu tình ở Mỹ.
Chiến dịch tranh cử của Biden cũng đối mặt với thách thức về việc làm thế nào để không "mộng du" trong các tin tức có lợi. Nhiều thành viên thuộc nhóm tranh cử của Biden thậm chí đã kêu gọi người ủng hộ không để tâm quá nhiều đến các thông tin khả quan về triển vọng thắng cử của phe Dân chủ.
Plouffe, người phụ trách chiến dịch tranh cử đầu tiên của tổng thống Barack Obama, cũng cảnh báo rằng đảng Dân chủ nên lường trước khả năng Trump sẽ giành lại sự ủng hộ khi cuộc bầu cử bước vào giai đoạn gay cấn hơn.
"Tôi có chút lo lắng rằng mọi người đang quá hào hứng về các kết quả thăm dò. Tất nhiên điều này tốt hơn là bạn không có. Nhưng nếu nhìn vào kết quả cuối cùng trong ngày bầu cử, bạn sẽ thấy tỷ lệ rất sát sao", ông nói.
Nancy Quarles, ủy viên hạt Oakland, bang Michigan, vẫn nhớ cảm giác bất ngờ khi biết kết quả ủng hộ dành cho Trump ở các hạt quan trọng mà bà không ngờ tới. "Tôi rất lo lắng về cuộc đua này. Tôi thấy đảng Dân chủ hoàn toàn có cơ hội chiến thắng, nhưng tôi cũng đánh giá thấp Tổng thống Trump. Ông ấy rất quyết tâm chiến thắng", bà nói.
Nỗ lực thu hút cử tri trong chiến dịch tranh cử của Biden ở các bang chủ chút cho thấy họ không muốn đi vào "vết xe đổ" của Clinton năm 2016. "Bà Hillary từng vấp chỉ trích vì không đến bang Wisconsin. Nhưng bạn có thể thấy chiến lược của Biden rất khác biệt khi không bỏ qua bang này", David Bowen, nhà lập pháp bang Wisconsin ở thành phố Milwaukee, cho hay.
Trong khi đó, nghị sĩ Dân chủ Ruben Gallego của Arizona bày tỏ lạc quan rằng Biden sẽ trở thành ứng viên Dân chủ đầu tiên giành chiến thắng ở bang của ông, sau Bill Clinton.
"Thời gian đang dần cạn. Cuộc bầu cử sẽ không kết thúc vào tháng 11. Nó sẽ kết thúc ngay đầu tháng 10, khi vòng bỏ phiếu sớm bắt đầu ở các bang dao động", ông nói. "Nếu Trump không thay đổi bản thân và chiến lược tranh cử trước đầu tháng 10, ông ấy sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trump từng thắng năm 2016, nhưng có thể đó chỉ là may mắn".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)