"Nhìn vào tình hình Italy mà xem. Chúng ta không muốn rơi vào tình trạng như thế", Tổng thống Trump nói với các phóng viên ngày 17/3. Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ dẫn chứng việc các bệnh viện ở Italy bị quá tải để thúc đẩy quan điểm về chính sách y tế của mình tại một cuộc tranh luận.
Vài tháng sau, Mỹ là vùng dịch lớn nhất và cũng chết chóc nhất thế giới. Các quốc gia châu Âu từng cho rằng họ chống dịch tốt hơn Italy giờ đang đối mặt những đợt bùng phát mới. Một số phải tái áp đặt hạn chế và cân nhắc có nên tái phong tỏa hay không.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 31/7 thông báo trì hoãn kế hoạch nới lỏng hạn chế ở Anh khi tỷ lệ lây nhiễm tăng lên. Ngay cả Đức, nơi được ca ngợi vì phản ứng hiệu quả và truy vết tiếp xúc tốt, cũng cảnh báo rằng sự chủ quan đang khiến ca nhiễm tăng trở lại.
Trong khi đó, tại Italy, các bệnh viện đã vắng bóng bệnh nhân Covid-19. Số ca tử vong do nCoV hàng ngày ở Lombardy, bắc Italy, nơi từng chịu ảnh hưởng nặng nề, giờ ở gần mức 0. Số ca nhiễm mới hàng ngày hiện thuộc hàng thấp nhất châu Âu và thế giới, Giovanni Rezza, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Quốc gia cho biết. "Chúng tôi đã rất thận trọng", ông nói.
Cách Italy chuyển mình từ một "thảm họa" sang hình mẫu - tuy còn chưa hoàn hảo - trong cuộc chiến chống Covid-19, là bài học cho phần còn lại của thế giới.
Italy ban đầu phong tỏa các thị trấn, tiếp đến là vùng Lombardy và cuối cùng là toàn quốc, dù virus vắng bóng tại nhiều nơi ở miền trung và miền nam. Điều đó ngăn những lao động làm việc ở miền bắc giàu có trở về quê nhà ở miền nam kém phát triển hơn, giảm nguy cơ lây lan rộng và thiết lập được phản ứng quốc gia thống nhất.
Trong thời gian phong tỏa, đi lại bị hạn chế nghiêm ngặt, mọi người phải điền đơn chứng minh họ ra ngoài vì mục đích làm việc, y tế hoặc các mục đích thiết yếu khác. Một số chính quyền địa phương phạt nặng những người vi phạm quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Nhìn chung, người Italy tuân thủ các quy tắc.
Rõ ràng phong tỏa đi đôi với thiệt hại kinh tế. Trong ba tháng, các doanh nghiệp và nhà hàng phải đóng cửa và ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Italy dự kiến mất khoảng 10% GDP năm nay. Nhưng khi virus lây lan mất kiểm soát, các quan chức Italy quyết định đặt mạng sống lên trên kinh tế. "Sức khỏe của người dân luôn được đặt lên hàng đầu", Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói.
Khi dịch mới bùng phát, các bệnh viện quá tải và chịu áp lực rất lớn, nhưng tình thế khó khăn cũng giúp các bác sĩ và y tá tôi luyện khả năng truy vết tiếp xúc và nâng cao chuyên môn. Sau đó, đất nước dần mở cửa trở lại.
Phong tỏa đã giúp giảm lây lan virus trong cộng đồng. Khi phong tỏa được gỡ, một số khu vực miền trung và miền nam Italy gần như không ghi nhận bất kỳ chuỗi lây nhiễm nào. Guerra cho biết thêm rằng các hệ thống cảnh báo sớm mới như theo dõi nước thải để tìm dấu vết virus cũng giúp giảm nguy cơ lây lan.
Chính phủ Italy làm theo lời khuyên từ các ủy ban khoa học và kỹ thuật. Các bác sĩ địa phương, bệnh viện và quan chức y tế thu thập hơn 20 chỉ số về virus hàng ngày và gửi chúng cho chính quyền khu vực, sau đó họ chuyển chúng đến Viện Y tế Quốc gia.
Nhờ những chỉ số này, họ đánh giá cách phản ứng của đất nước hàng tuần và dựa vào đó để ra quyết sách. Đây là bước tiến dài so với tình trạng hoảng loạn, gần như "gục ngã" tại Italy hồi tháng ba.
Italy đã duy trì được "quả ngọt" từ việc phong tỏa toàn quốc nhờ giữ vững tinh thần cảnh giác. Tuần này, quốc hội Italy nhất trí gia hạn quyền lực khẩn cấp của chính phủ đến ngày 15/10, sau khi Thủ tướng Conte lập luận nước này không thể lơ là cảnh giác vì virus vẫn hoành hành.
Quyền lực này cho phép chính phủ duy trì các hạn chế và phản ứng nhanh chóng, bao gồm áp đặt phong tỏa, khi phát hiện bất kỳ cụm dịch mới nào. Chính phủ đã áp đặt các hạn chế nhập cảnh đối với hơn 10 quốc gia, vì việc "nhập khẩu" ca nhiễm giờ là nỗi lo lớn nhất của nước này.
Tuy nhiên, chiến lược phong tỏa cũng hứng chịu chỉ trích rằng sự thận trọng quá mức của chính phủ làm tê liệt nền kinh tế. Nhưng nó có thể là lựa chọn tốt hơn so với nỗ lực mở lại nền kinh tế trong khi virus vẫn hoành hành mạnh như tại các nước Mỹ, Brazil và Mexico.
Điều đó không có nghĩa là những lời kêu gọi tiếp tục cảnh giác ở Italy không vấp phải phản đối, phớt lờ hay mỉa như nhiều nơi khác trên thế giới. Italy bắt buộc đeo khẩu trang trên tàu và xe buýt, nhưng một số người không đeo khặc kéo khẩu trang xuống dưới cằm. Những người trẻ vẫn ra ngoài tụ tập, có nguy cơ lây virus cho những người dễ bị tổn thương hơn. Nhiều người trưởng thành tụ tập tại bãi biển và tổ chức tiệc nướng. Vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng cho việc mở lại trường học vào tháng 9.
Phong trào chống khẩu trang do lãnh đạo đảng Liên minh Matteo Salvini dẫn dắt đang nhận được thêm sự ủng hộ. Hôm 27/7, Salvini, người theo chủ nghĩa dân tộc, tuyên bố việc thay thế những cái bắt tay và những cái ôm bằng động tác chạm khuỷu tay là "dấu chấm hết của nhân loại".
Tuần này, Salvini cùng những người phản đối khẩu trang tham gia cuộc biểu tình tại thư viện Thượng viện. Sự kiện có sự tham gia của nghệ sĩ opera Andrea Bocelli, người tin đại dịch này không quá nghiêm trọng. "Tôi quen rất nhiều người mà không thấy ai phải vào khoa chăm sóc tích cực", ông nói.
Nhưng các chuyên gia y tế hàng đầu của đất nước nói rằng việc ít ca nghiêm trọng đơn giản là kết quả của việc số ca nhiễm nói chung giảm, vì chỉ một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có triệu chứng rất nặng.
Một số bác sĩ tin rằng virus ở Italy đã yếu đi. Matteo Bassetti, bác sĩ bệnh truyền nhiễm ở thành phố Genoa, cho biết khi dịch lên đỉnh điểm, bệnh viện của ông tiếp nhận tới 500 ca nhiễm nCoV. Giờ đây, khoa chăm sóc tích cực với 50 giường không có bệnh nhân Covid-19 và khu chuyên điều trị người nhiễm nCoV gồm 60 giường cũng không một bóng người.
Ông thừa nhận quan điểm virus ở Italy đã yếu đi chưa được chứng minh. Tuy nhiên, lập trường này đang được Salvini và các chính trị gia khác thúc đẩy để phản đối việc kéo dài tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, hầu hết chuyên gia cho rằng nguy cơ vẫn còn tồn tại. Khi chính phủ đang cân nhắc mở lại các câu lạc bộ đêm, lễ hội và du thuyền, nhiều chuyên gia kêu gọi nước này không lơ là cảnh giác.
"Ngay cả khi tình hình tốt hơn các nước khác, chúng ta vẫn nên tiếp tục thận trọng", Rezza nói. "Chúng ta không thể loại trừ nguy cơ dịch bùng phát trở lại ở Italy trong vài ngày tới. Có thể đây chỉ là vấn đề thời gian".
Phương Vũ (Theo NYTimes)