Kết quả khảo sát thường niên của Gallup về mức độ tín nhiệm đối với vai trò lãnh đạo của 4 cường quốc Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nga năm nay đánh dấu lần thứ ba liên tiếp Đức chiếm vị trí dẫn đầu, với tỷ lệ tín nhiệm trung bình toàn cầu là 44%. Những người tham gia khảo sát tới từ 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong khi đó, Mỹ xếp thứ hai với tỷ lệ thấp hơn nhiều, ở mức 33%, chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ 32% của Trung Quốc. Nga đứng cuối với mức tín nhiệm 30%.
"Mở đầu thập kỷ mới, hình ảnh toàn cầu của Mỹ hiện nay yếu thế hơn so với hai chính quyền tiền nhiệm", báo cáo của Gallup có đoạn, chỉ ra những tác động tiêu cực từ chủ nghĩa đơn phương và bài ngoại của Tổng thống Donald Trump đối với hình ảnh của Mỹ trên thế giới.
Các cuộc thăm dò khác gần đây cũng chứng minh xu hướng này. Theo khảo sát của Pew tại 32 quốc gia, 64% người tham gia cho biết họ không tin tưởng Trump với tư cách là người lãnh đạo nước Mỹ.
Quan điểm này đặc biệt gay gắt ở châu Âu, nơi cựu tổng thống Mỹ Barack Obama chiếm được cảm tình hơn nhiều so với Trump. Hồi tháng 12/2019, cuộc khảo sát của YouGov tại Đức cho thấy Trump thậm chí bị coi là mối đe dọa lớn hơn so với các lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Các khảo sát đều được tiến hành trước khi Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu. Theo bình luận viên Ishaan Tharoor của Washington Post, cuộc khủng hoảng khiến thế giới càng thêm ấn tượng không tốt về nước Mỹ dưới thời Trump. Quốc gia này đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với khoảng 4,5 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 152.000 người chết và dường như chưa thể thấy hồi kết.
"Mọi người cảm thấy ngỡ ngàng trước tác động của việc thiếu năng lực dẫn dắt, hoặc sự lãnh đạo gây chia rẽ, không thể thống nhất các lực lượng để giải quyết vấn đề về đại dịch", Thomas Kleine-Brockhoff, phó chủ tịch Quỹ Marshall của Đức, cho hay. "Tất nhiên, điều đó ảnh hưởng tới cách mọi người nhìn nước Mỹ. Quyền lực mềm của họ đang sụp đổ".
Trong khi Mỹ "mất điểm" vì cách xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19, nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel lại "tỏa sáng" khi được đánh giá là kiểm soát Covid-19 hiệu quả dựa vào các biện pháp khoa học và sự đoàn kết của người dân, điều hoàn toàn không xuất hiện tại Mỹ.
"Phản ứng của Đức trước đại dịch đã làm nổi bật những điểm mạnh vốn có. Đó là chính phủ hoạt động hiệu quả, nợ thấp, uy tín về sự xuất sắc trong các lĩnh vực công nghiệp giúp bảo vệ ngành xuất khẩu, ngay cả khi thương mại toàn cầu sụp đổ. Năng lực thành lập các hãng công nghệ nội địa cũng ngày càng tăng, dù Mỹ và Trung Quốc đang thống trị lĩnh vực này", Ruchir Sharma, chiến lược gia toàn cầu tại ngân hàng Morgan Stanley, nhận xét.
Sự lãnh đạo chính trị cũng được cho là yếu tố quan trọng giúp Đức "ghi điểm" với thế giới. "Dù mọi người yêu hay ghét, Merkel, thủ tướng lâu năm của Đức, vẫn là một trong những lãnh đạo ổn định nhất giữa lúc trật tự châu Âu và toàn cầu cực kỳ vô định", Mohamed Younis, tổng biên tập của Gallup, nêu ý kiến.
Điều này được chứng minh rõ ràng qua cuộc khủng hoảng Covid-19, khi mức tín nhiệm trong nước của bà Merkel tăng vọt ngay buổi "hoàng hôn nhiệm kỳ". "Những tính cách làm nên tên tuổi của Merkel đã để lại dấu ấn trong đại dịch. Đó là cách lãnh đạo thận trọng, dựa vào thực tế và dữ liệu, hướng về đồng thuận", Constanze Stelzenmulle, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings ở Mỹ, nhận định.
Khác với Trump, bà Merkel điều hành hệ thống chính trị liên bang phức tạp của Đức một cách khéo léo, kiên quyết thúc đẩy các biện pháp hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt hơn so với ý định của một số lãnh đạo cấp bang.
Kết quả là, cùng với vai trò dẫn dắt trong việc đạt được một thỏa thuận ngân sách quan trọng của EU tuần trước, bà Merkel dường như sẽ rời chính trường với một di sản đẹp đẽ hơn nhiều so với những gì mà nhiều người chỉ trích bà, bao gồm cả Trump, từng dự đoán.
"Có lẽ đây là lần đầu tiên sau 16 hoặc 15 năm, bà Merkel có cơ hội bước vào một buổi hoàng hôn rực rỡ thay vì giông bão", Stefan Kornelius, người viết tiểu sử được ủy quyền của Thủ tướng Đức, cho hay.
Tuy nhiên, điều tương tự chưa chắc đã đến với Trump, khi chiến dịch tái tranh cử của ông vấp phải một thảm họa y tế công cộng. "Nhiều nguồn tin giấu tên thân cận với Trump cho biết Tổng thống Mỹ không thể giải quyết triệt để khủng hoảng do ông gần như không sẵn sàng nhận lỗi, cùng với những bản đánh giá và dữ liệu quá tích cực từ đội ngũ cố vấn và Fox News", Washington Post đưa tin.
"Trớ trêu là chỉ cần Trump bỏ một chút công sức và nói vài lời về đoàn kết quốc gia, ông ấy thực sự có thể đứng ở vị thế vô cùng vững chắc, nền kinh tế có thể tái mở cửa và người dân kiếm được việc trở lại. Vậy mà ông ấy không thể làm việc đó", Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia cho Obama, nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ngoài đại dịch, giới chuyên gia đánh giá Trump chỉ là "chất xúc tác" cho sự thay đổi quan điểm toàn cầu về quyền lực trên thế giới của Mỹ. "Tôi cho rằng nước Mỹ dường như chỉ đang mải mê soi xét bản thân, như thể phần còn lại của thế giới không thực sự tồn tại", Robin Niblett, giám đốc nhóm cố vấn Chatham House ở Anh, nhận định.
"Còn ai có thể nhìn nhận nước Mỹ một cách nghiêm túc sau những gì đã xảy ra", Matt Duss, cố vấn chính sách đối ngoại của thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders, nói về cách chính quyền Trump ứng phó với Covid-19. "Quan điểm rằng Mỹ là bá chủ toàn cầu không có đối thủ đã hết rồi".
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)