Trước đó, các bộ trưởng cấp cao, bao gồm quan chức y tế hàng đầu Indonesia, đã đến dinh Tổng thống tại thủ đô Jakarta với thông điệp rõ ràng, rằng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 sẽ tăng chóng mặt nếu chính phủ không áp đặt các biện pháp cứng rắn ngay lập tức. Họ kêu gọi Tổng thống Joko Widodo ban lệnh hạn chế di chuyển đối với tất cả người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề.
Vào thời điểm cuối tháng 6, tình hình Covid-19 tại Indonesia rõ ràng đang trở nên tồi tệ. Khoảng 24 giờ trước cuộc họp giữa Tổng thống Widodo với các doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất đất nước, Hội Chữ Thập đỏ Indonesia cũng kêu gọi hành động khẩn cấp, khi một trong các bệnh viện của họ bị quá tải và biến chủng Delta đang đẩy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á "tiến gần bờ vực thảm họa Covid-19".
Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận trực tuyến với Tổng thống Widodo hôm 30/6, các hiệp hội doanh nghiệp vẫn phản đối khuyến nghị phong tỏa do các chuyên gia y tế đưa ra, nguồn tin kể lại. Dưới sự dẫn đầu của Rosan Roeslani, khi đó giữ chức chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), đại diện nhiều doanh nghiệp lớn cho rằng việc áp lệnh phong tỏa quy mô lớn sẽ kìm hãm sự phục hồi kinh tế của đất nước, buộc các công ty phải sa thải nhân sự hàng loạt.
Ngày 1/7, chính quyền Tổng thống Widodo công bố những biện pháp hạn chế mới, nhưng không áp lệnh phong tỏa hoàn toàn như đề xuất của giới chức y tế.
Indonesia nhanh chóng hứng chịu hậu quả, khi trở thành tâm dịch mới ở châu Á, với số ca nhiễm hàng ngày tăng hơn gấp đôi và vượt cả Ấn Độ, dù dân số nước này chỉ bằng 1/5.
Số ca tử vong mỗi ngày vì Covid-19 của Indonesia cũng đang cao nhất toàn cầu, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hệ thống bệnh viện quá tải, các bệnh nhân bị từ chối nhập viện, và mới chỉ 6% trong tổng số 270 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ.
Theo bình luận viên Arys Aditya và Philip Heijmans của Bloomberg, Tổng thống Widodo hiện đối mặt với một lựa chọn, là tiếp tục duy trì những biện pháp hạn chế đã được công bố, hay nới lỏng để bảo vệ sinh kế cho hàng triệu người, ngay cả khi virus đang tràn lan. Một bộ trưởng Indonesia tuần này cho biết hạn chế sẽ được áp dụng đến ngày 25/7, nhưng Widodo nói rằng sẽ nới lỏng nếu số ca nhiễm sau đó tiếp tục giảm.
"Indonesia không sẵn sàng ra quyết định hạn chế hoạt động kinh doanh đầy cay đắng. Các khuyến cáo y tế không phải trọng tâm trong những chính sách của họ. Vận mệnh của nền kinh tế được coi trọng hơn, bắt nguồn từ mong muốn của những người xung quanh Tổng thống. Nhiều người trong số đó sở hữu doanh nghiệp hoặc gắn bó với hoạt động kinh doanh", Achmad Sukarsono, phó giám đốc nhóm cố vấn Control Risks tại Anh, nhận định.
Arsjad Rasjid, tân chủ tịch của Kadin, hôm 21/7 đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ từ 11 nhóm doanh nghiệp, bao gồm chấp thuận cho những ngành công nghiệp thiết yếu hoạt động hết mức, lĩnh vực không thiết yếu hoạt động với 50% công suất, đồng thời cứu trợ cho cả người lao động và doanh nghiệp.
"Xin đừng đưa ra những quyết định giết chết doanh nghiệp hay nền kinh tế, bởi cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt và gây nguy hiểm cho cuộc sống xã hội của chúng ta. Chúng tôi hiểu rằng sức khỏe rất quan trọng, nhưng không thể ngừng hoàn toàn hoạt động kinh tế", Rasjid, người đồng thời đang giữ chức giám đốc một công ty năng lượng, trả lời báo chí.
Indonesia có tới hơn 70 triệu lao động phi chính thức, bao gồm nhiều người làm việc trong ngành dịch vụ, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất vì các lệnh hạn chế. Theo số liệu của chính phủ, đại dịch đã kéo 2,75 triệu người Indonesia xuống dưới mức nghèo, tính đến tháng 9/2020, và đẩy 1,6 triệu người vào cảnh thất nghiệp.
Các nước đang phát triển khác như Brazil, Malaysia hay Thái Lan, cũng phải vật lộn với lựa chọn tương tự Indonesia. Không nhiều nước có đủ khả năng hỗ trợ tài chính để giảm bớt thiệt hại của doanh nghiệp vì quy định chống dịch nghiêm ngặt như Singapore.
Chính phủ Indonesia hồi tháng một tăng ngân sách phục hồi kinh tế trong năm nay lên 49% so với ước tính trước đó, nhưng tăng trưởng có thể bị chậm lại trong quý này nếu Widodo không ngăn được đà tăng dữ dội của số ca nCoV. Điều đó có nguy cơ làm trì hoãn những đề xuất quan trọng, bao gồm gói cải cách thuế và tài chính.
"Đương nhiên tác động có thể vô cùng lớn. Indonesia đã chứng kiến nền kinh tế bị thu hẹp 4 quý liên tiếp. Tình hình ca nhiễm nCoV tăng đột biến hiện nay sẽ khiến cuộc khủng hoảng kéo dài thêm", Marcus Mietzner, phó giáo sư nghiên cứu chính trị Indonesia tại Đại học Quốc gia Australia, đánh giá.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan bắt đầu ảnh hưởng đến mức tín nhiệm của Tổng thống Widodo, dù nhìn chung vẫn khá cao. Từng là một nhà sản xuất đồ nội thất, Widodo vạch ra một chương trình nghị sự cải cách kinh tế đầy tham vọng, với kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 412 tỷ USD. Ngoài xây dựng một liên minh hùng mạnh trong quốc hội để hiện thực hóa chiến lược, Widodo còn tạo quan hệ thân thiện với các tỷ phú và doanh nghiệp.
Cách tiếp cận này giúp Tổng thống Indonesia thúc đẩy những cải cách khó khăn, bao gồm một luật lao động mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, ông bắt đầu trở nên khó xử khi Covid-19 tấn công dữ dội, đặc biệt là khi nhiều vị trí chủ chốt trong nội các của ông là các cựu giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Việc Indonesia triển khai tiêm vaccine Covid-19 miễn phí thông qua một chương trình cộng đồng đã khiến những công dân giàu có hơn ngày càng giận dữ, bởi họ có thể phải xếp hàng để được tiêm.
Deasy Simandjuntak, chuyên gia tại Viện ISEAS - Yusof Ishak của Singapore, đánh giá đại dịch ở Indonesia trở nên tồi tệ hơn do nóng lòng theo đuổi trạng thái "bình thường mới", ưu tiên phục hồi kinh tế và gây khó khăn cho quá trình ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế.
"Với tình trạng ca nhiễm tăng vọt, mức tín nhiệm của Tổng thống Widodo có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu những biện pháp hiện nay không giúp cải thiện tình hình", Simandjuntak nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)