Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 18/6 cho biết biến chủng Delta, hay còn có tên B.1.617.2, đang dần trở thành chủng trội toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao. Trước đó, một quan chức WHO cho hay biến chủng này đã được phát hiện tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, làm đảo lộn kế hoạch tái mở cửa của nhiều nước.
Tại Indonesia, biến chủng Delta đang "xâm chiếm" ba khu vực là thủ đô Jakarta, Kudus, một trung tâm sản xuất thuốc lá ở miền trung tỉnh Java, và Bangkalan, ngay ngoài khơi bờ biển Java.
Việc số ca nhiễm nCoV tăng đột biến ở những nơi này làm dấy lên lo ngại một làn sóng lây nhiễm mới sẽ quét qua Indonesia, khi nước này chứng kiến một số diễn biến tương tự tình hình tại Ấn Độ, nơi biến chủng Delta lần đầu xuất hiện và gây ra làn sóng đại dịch tàn khốc.
Tuy nhiên, năng lực theo dõi sự lây lan của các biến chủng tại Indonesia khá hạn chế, nên rất khó đánh giá biến chủng Delta đang lây nhiễm rộng rãi đến mức nào ở quốc đảo 270 triệu dân này. Theo giới chuyên gia y tế, nếu các con số tiếp tục tăng, Covid-19 có thể nhấn chìm hệ thống y tế Indonesia.
"Indonesia rất có thể trở thành quốc gia tiếp theo hứng chịu sóng thần Covid-19", Dicky Budiman, nhà dịch tễ học người Indonesia tại Đại học Griffith ở Australia, nhận định, chỉ ra tốc độ triển khai tiêm chủng chậm chạp, mức độ xét nghiệm thấp và sự hiện diện của biến chủng Delta ở nước này.
Chưa đến 5% dân số Indonesia được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ, chủ yếu sử dụng vaccine do công ty Trung Quốc Sinovac phát triển. WHO tuần này cũng cảnh báo tình trạng virus lây lan ngày càng rộng tại Indonesia do những biến chủng đáng lo ngại, đồng thời cho biết cần có hành động khẩn cấp để kiểm soát tình hình, bao gồm các biện pháp hạn chế quy mô lớn.
Bộ Y tế Indonesia giải thích đợt bùng phát hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ những hoạt động đi lại và tiệc tùng nhân kỳ nghỉ lễ Eid của người Hồi giáo tháng trước. Tuy nhiên, biến chủng Delta được cho là đã khiến tình hình trầm trọng hơn.
Bối cảnh đại dịch một tháng trước ở Indonesia khá khác biệt so với hiện nay. Tại Kudus, số ca nhiễm nCoV có xu hướng giảm, cư dân thoải mái đến nhà bạn bè và người thân trong lễ hội Eid. Nhưng thảm họa sau đó ập tới, khi Kudus trải qua đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch.
Số ca nhiễm nCoV ở Kudus bắt đầu tăng vọt vào cuối tháng 5, với tổng số ca nhiễm mới hàng tuần từ một mức rất thấp tăng vọt tới 35 lần. Các bệnh viện phải chuyển đổi khoa ngoại thành khu cách ly. Khoảng 400 nhân viên y tế nhiễm virus trong tháng qua.
Tính đến tuần thứ hai của tháng này, số người chết trung bình hàng ngày vì Covid-19 tại Kudus là 20 người, theo số liệu của chính quyền. 1/5 trong tổng số 942 ca tử vong được ghi nhận chỉ trong 10 ngày qua. Giải trình tự gene cho thấy 28/34 mẫu virus được phân tích gần đây thuộc về biến chủng Delta.
"Toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế đều căng thẳng và kiệt sức cực độ", tiến sĩ Ahmad Syaifuddin, người phụ trách khu vực Kudus của Hiệp hội Y tế Indonesia, cho biết.
Tính trên cả nước, Indonesia ghi nhận trung bình 10.000 ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày trong tuần qua, tăng gấp đôi so với mức 5.000 ca hồi đầu tháng 5, mặc dù số ca nhiễm thực tế được cho là cao hơn nhiều lần. 1/3 số xét nghiệm PCR được tiến hành trong 7 ngày qua cho kết quả dương tính với nCoV, chứng tỏ Indonesia đang thực hiện quá ít xét nghiệm và nhiều ca nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện.
Mối lo ngại của các bác sĩ không chỉ dừng lại ở số ca nhiễm gia tăng. Ở những nơi biến chủng Delta chiếm ưu thế, nhiều thành viên trong cùng gia đình nhiễm virus, bao gồm cả những người trẻ, sức khỏe của họ còn trở nặng nhanh hơn so với những đợt bùng dịch trước. "Nhiều người không có bệnh lý nền vẫn tử vong quá nhanh chóng", một bác sĩ giấu tên ở thành phố Bangkalan cho biết.
"Khác biệt đầu tiên là vấn đề tuổi tác không còn quan trọng. Dù trẻ hay già, có bệnh lý nền hay không, bạn vẫn có thể nhiễm virus", tiến sĩ Catur Budi Keswardiono, chuyên gia về phổi dẫn đầu nhóm chuyên trách Covid-19 tại một bệnh viện ở Bangkalan, đánh giá.
Trong hai tuần đầu tiên của tháng này, khoảng 2.750 người đã tử vong vì Covid-19 ở Indonesia, so với mức 2.200 ca trong hai tuần đầu tiên của tháng 5. Tại Bangkalan, nơi biến chủng Delta lan rộng, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đang hết giường. Tiến sĩ Catur cho biết bệnh viện đã ghi nhận 50 người chết vì Covid-19 trong tháng này, hơn gấp ba lần tháng trước.
Một số bệnh nhân đang được chuyển đến Surabaya, thành phố lớn hơn ở gần đó. Các bệnh viện tại thủ đô Jakarta cũng đã kín người, với tỷ lệ lấp đầy chỗ trống tuần này là 75%, tăng mạnh so với con số 45% tuần trước.
Gánh nặng càng chồng chất khi virus lây lan trong đội ngũ nhân viên y tế. Tiến sĩ Syaifuddin tại bệnh viện Kudus cho biết khoảng 400 nhân viên y tế nhiễm nCoV dù đã tiêm đủ hai liều vaccine Sinovac, hầu hết chỉ có triệu chứng nhẹ, nhưng hàng chục người phải nhập viện điều trị. Khoảng 50 nhân viên y tế tại bệnh viện Bangkalan cũng nhiễm virus sau khi tiêm loại vaccine này.
"Dữ liệu cho thấy họ nhiễm biến chủng Delta, nên không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ lây nhiễm cao hơn trước đây. Phần lớn nhân viên y tế Indonesia tiêm vaccine Sinovac và chúng ta chưa biết hiệu quả của loại vaccine này với biến chủng Delta", nhà dịch tễ học Budiman cho hay.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)