"Lợi ích từ việc tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca lớn hơn nhiều so với rủi ro", Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cho biết trong thông báo hôm nay, giải thích rằng dù việc tiêm chủng có thể dẫn đến "những biến cố bất lợi", nguy cơ tử vong vì Covid-19 vẫn cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, BPOM tỏ ra thận trọng, khi đưa ra thêm cảnh báo về việc tiêm vaccine AstraZeneca cho những người bị giảm tiểu cầu và mắc các chứng rối loạn đông máu. Trước đó, Indonesia ra lệnh hoãn tiêm loại vaccine này để chờ kết quả đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi nhiều nước châu Âu báo cáo các trường hợp đông máu, thậm chí là tử vong, sau khi tiêm chủng.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm qua xác định vaccine AstraZeneca "hiệu quả, an toàn" và không liên quan nguy cơ gây đông máu, dù không loại trừ hoàn toàn mối liên quan giữa vaccine với chứng rối loạn đông máu hiếm gặp. WHO và cơ quan giám sát y tế Anh trước đó cũng xác định vaccine an toàn và việc dừng tiêm gây nguy cơ cao hơn nhiều, bởi một số quốc gia đang đối mặt mức tăng ca nhiễm đáng lo ngại.
Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 39.000 trường hợp tử vong. Chương trình tiêm chủng tại nước này bắt đầu hồi tháng 1, sau khi nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên từ hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac.
Indonesia cũng đã nhận được 1,1 triệu liều vaccine của AstraZeneca thông qua chương trình phân phối COVAX do WHO đồng lãnh đạo, dự kiến nhận được thêm khoảng 10 triệu liều trong hai tháng tới.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)