Trong cuộc họp báo ngày 11/9 tại thành phố Thessaloniki, một phóng viên hỏi Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis rằng liệu Hy Lạp có giao thiết giáp BMP-1 cho Ukraine hay không, đồng thời đề nghị bình luận về thông tin Athens lên kế hoạch chuyển tên lửa phòng không S-300 cho Kiev.
"Những câu hỏi này không có giá trị. Chúng tôi nhiều lần tuyên bố rằng không hy sinh an ninh quốc phòng của đất nước để hỗ trợ Ukraine", Thủ tướng Mitsotakis đề cập về thông tin Hy Lạp lên kế hoạch chuyển S-300 cho Ukraine.
Ông Mitsotakis cho biết Hy Lạp trước đó đồng ý chuyển thiết giáp BMP-1 cho Ukraine nếu nhận được xe chiến đấu bộ binh Marder A1A3 từ Đức. "Các cuộc đàm phán về quyết định này đang diễn ra, tôi chưa thể cung cấp thêm thông tin về vấn đề này ngoài những gì đã biết", Thủ tướng Mitsotakis nói.
Ukraine và Nga chưa bình luận về thông tin này.
Một tổ hợp S-300 gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi xe mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại. Radar điều khiển hỏa lực 30N6E2 có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195 km.
Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.
Hy Lạp, quốc gia thành viên NATO, sở hữu một trung đoàn gồm 4 tổ hợp S-300 PMU1, với 8 khẩu đội có 32 xe phóng. Hy Lạp đang sở hữu khoảng 175 đạn tên lửa S-300. Slovakia, một quốc gia thành viên NATO khác, hồi tháng 4/2022 chuyển cho Ukraine một khẩu đội S-300PMU cùng đạn tên lửa.
Nguyễn Tiến (Theo Protothema, RIA Novosti)