(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Khi tôi viết những dòng này, là tôi vừa dọn đồ đạc từ chỗ làm về nhà, sau khi nhận được trát sa thải của công ty. Tôi 37 tuổi, làm tư vấn sale trong mảng IT cho một tập đoàn của Nhật Bản được gần 4 năm. Công ty có trụ sở ở Hà Nội, chi nhánh ở TP HCM và Đà Nẵng với tổng số nhân sự khoảng 200 người.
Đầu năm, khi bắt đầu có dịch bệnh, công ty đã bắt đầu cho nhân viên làm việc ở nhà (WFH - Work From Home), khi có việc gì cần trình ký sếp thì mới đăng ký lên văn phòng (tại Quận 1, TP HCM). Trong giai đoạn cách ly thì công ty vẫn cho nhân viên lãnh đủ lương và mọi người vẫn cố gắng quen với những khó khăn khi làm tại nhà: mỗi sáng họp 30 phút qua công cụ Microsoft Teams, trao đổi với khách hàng qua điện thoại, email,video call, chiều gửi báo cáo những mục công việc đã thực hiện trong ngày cho các sếp Nhật.
Việc WFH này kéo dài cũng gần hai tháng, hết thời kỳ cách ly mọi người hớn hở lên văn phòng làm việc lại sau thời kỳ bị nhốt trong bốn bức tường. Trong giai đoạn này, công ty vẫn có những dự án còn của năm trước và ký được một số hợp đồng nhỏ.
Chúng tôi cũng hiểu rằng công ty gặp khó khăn về tài chính nên sau thời kỳ dịch cũng động viên nhau cố gắng hơn nữa, để bù đắp lại khoản thời gian dịch. Tôi cũng phấn chấn khi chuẩn bị ký được một hợp đồng với khách hàng lớn của Việt Nam.
Nhưng cách đây hai tuần thì trong văn phòng bàn tán về việc một số bạn kỹ thuật (Dev) không được gia hạn tiếp hợp đồng (hợp đồng một năm), cả ở văn phòng Hà Nội và TP HCM.
Lúc này team kinh doanh chỉ nghĩ rằng công ty không gia hạn với lý do là các bạn không đạt yêu cầu công việc. Nhưng sau đó thì có thông tin là mỗi bộ phận đều có chỉ tiêu giảm nhân sự, trong độ bộ phận kinh doanh phải giảm 4 người (trong tổng số khoảng 12 nhân sự).
Tâm lý mọi người bắt đầu hoang mang, mỗi ngày sếp (của các bộ phận) lại gọi một, hai bạn vào phòng họp riêng, và sau khi ra thì được ngầm hiểu rằng công ty sa thải họ.
Trước đó, tôi đã làm ở công ty được gần 4 năm, nên cũng nghĩ là yên tâm hơn so với các bạn có hợp đồng một năm. Và bộ phận kinh doanh là nơi kiếm tiền cho công ty, và đặc thù là ngành này tuyển kinh doanh rất khó (nhiều đợt tuyển vào nhưng ít người có thể trụ lại, lý do là không phù hợp hoặc không tìm được hợp đồng mới) nên chắc là không đến nỗi nào.
Nhưng rồi ngày định mệnh đó cũng đến, sau khi họp định kỳ xong, thì sếp bảo cần gặp riêng tôi.
Và tôi bắt đầu lùng bùng với những chia sẻ của sếp là công ty có chủ trương giảm nhân sự do kinh tế khó khăn, nào là perfomance của tôi trong năm rồi không tốt (ít hợp đồng)...
Kết cục lại, công ty sẽ hỗ trợ hai tháng lương và tôi cần thu xếp bàn giao công việc sớm. Công ty cũng sẽ không hỗ trợ tiền đền bù hợp đồng (một năm làm việc tương ứng với một tháng lương) với lý do bất khả kháng (dịch bệnh Covid).
Đây giống như một cú sốc với tôi, và các nhân viên còn lại. Các bạn cũng biết, Văn hóa Nhật coi trọng việc nhân viên gắn bó lâu dài với công ty. Tập đoàn mẹ ở Nhật doanh thu mỗi năm cũng trên 100 tỷ USD, có những người cống hiến trên 30 năm, và ở Việt Nam có rất nhiều nhân viên làm 7-10 năm.
Công ty cũng vừa kỷ niệm 10 năm thành lập. Và lĩnh vực IT trong thời kỳ dịch cũng không ảnh hưởng nhiều, thậm chí có nhiều mảng vẫn tăng trưởng (dù ít).
Sự thật vẫn là sự thật, tôi là người làm công ăn lương, nên đành phải chấp nhận cuộc chơi mà công ty đưa ra. Sau một vài buổi trao đổi với bộ phận nhân sự, bàn giao công việc và thiết bị, tôi trở về nhà với bao rối ren trong suy nghĩ về định hướng công việc sắp tới (vào thời kỳ đa phần các doanh nghiệp đều phải thắt chặt chi tiêu và tuyển dụng), những nỗi lo toan khi thu nhập gia đình bị giảm.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.