(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công và có độ mở rất lớn với hàng ngoại nhập. Người ta thiếu nhân lực giá rẻ thì họ mới đặt mình gia công. Bây giờ dịch bệnh hoành hành, thất nghiệp đầy đường, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nếu có đơn hàng gia công thì họ sẽ ưu tiên lao động trong nước họ trước để hạn chế bớt tình trạng thất nghiệp.
Chúng ta bị đứt gãy là đứt gãy ở chỗ này, hoàn toàn là yếu tố khách quan ta không thể can thiệp. Bởi vì kinh tế có độ mở lớn nên chỉ tập trung vào xuất khẩu bỏ quên thị trường sân nhà cho hàng ngoại nhập thoải mái tràn vào. Người dân đã quen xài hàng ngoại, hàng nội có nhãn mác chất lượng ra sao chẳng ai biết, ai dám bỏ tiền ra mua?
Muốn phục hồi nền kinh tế yêu cầu đầu tiên là phải giảm bớt tình trạng thất nghiệp trong nước. Có việc làm, có thu nhập người ta mới có tiền để tiêu dùng. Nếu không, mọi biện pháp kích cầu đều vô dụng. Tăng cường đầu tư công là biện pháp đối phó mang tính tình huống cần thiết trong thời gian ngắn (dưới 10 năm) nhưng không hiệu quả trong thời gian dài. Trong thời gian 10 năm này, việc chúng ta cần làm là thay đổi nền kinh tế từ xuất khẩu chuyển sang sản xuất để phục vụ nhu cầu nội địa, có dư, có đơn đặt hàng mới xuất khẩu, hạn chế bớt việc tìm kiếm thêm thị trường nước ngoài.
Để làm được việc này cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Mặt hàng gì có thể dùng tài nguyên trong nước làm nguyên liệu thì tuyệt đối không nhập ngoại, phải nghiên cứu cho ra làm sao biến đổi tài nguyên sẵn có ấy thành nguyên liệu thay thế nguyên liệu ngoại nhập. Nếu nghiên cứu ra được, chúng ta sẽ có hàng loạt việc làm mới mà lâu nay do nhập khẩu nguyên liệu chúng ta đã trả công cho những công việc này ở nước ngoài. Đây gọi là mang việc làm về nước. Sẽ có người nói rằng, khi hết dịch thì đâu sẽ vào đấy. Tôi không nghĩ như vậy. Xu hướng của mọi nước bây giờ là tập trung vào thị trường nội địa, hạn chế nhập khẩu.
Cái xu hướng này bắt đầu từ khi người Mỹ bầu ông Trump làm tổng thống. Đại dịch càng thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này. Bất kỳ nước nào cũng có nhân lực giá rẻ nhưng rẻ là rẻ với thu nhập của nước đó không hẳn là rẻ với nước khác. Họ sẽ tận dụng những nhân lực giá rẻ này trước khi tìm kiếm nhân lực giá rẻ bên ngoài lãnh thổ. Hết dịch, khái niệm "chuỗi cung ứng toàn cầu hóa" có thể sẽ phải viết lại. Nếu chúng ta không bắt kịp xu hướng này, hết dịch, chúng ta sẽ hoàn toàn bị động. Nhiều ngành hàng có công suất sản xuất lớn sẽ đình trệ hoặc hoạt động cầm chừng vì không bán hàng đi đâu được.
Ngoài thị trường nội địa còn tiêu dùng hàng của nó ra, thị trường nước ngoài sẽ bị bóp rất chặt, rất khó xâm nhập. Thị trường nội địa của ta từ lâu người dân đã không có thói quen xài hàng Việt Nam lại càng khó khăn. Đồ điện gia dụng các thứ như TV, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện ...tạo việc làm cho số lượng rất lớn lao động trong nước, chúng ta có làm được không?
Chúng có phải là những mặt hàng công nghệ cao đến mức chúng ta với không tới không? Thói quen xài hàng nhập tạo cho chúng ta tư duy ỷ lại "cái gì nước ngoài làm tốt, chi phí thấp giá rẻ thì chúng ta không cần làm". Những "bài toán" về đồ điện gia dụng này (hoặc bất kỳ sản phẩm phục vụ đời sống nào) đơn giản hơn giải các bài toán đánh đố rất nhiều. Sản xuất và tiêu thụ những thứ này chính là việc làm lương cao đấy.
Không làm thì bao giờ mới có lương cao? Nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh là nhờ người Trung Quốc có tư duy "cái gì nước ngoài làm được, Trung Quốc cũng làm được". Ban đầu, họ có thể làm ra đồ kém chất lượng. Nhưng sau đó sẽ ngày càng tiến bộ hơn vì trước hết phải giải quyết cho xong cái đoạn "làm được" mới được. Tương tự với 12 "con rồng" khác. Với tư duy ỷ lại như trên, bao giờ Việt Nam mới thành rồng ? Người ta dự đoán dựa trên đủ thứ tiềm năng của người Việt Nam (thông minh, cần cù, học giỏi, đánh thắng nhiều quốc gia hùng mạnh) rồi người ta thất vọng vì người Việt thiếu ý chí cầu tiến như các dân tộc khác.
Nếu chỉ dựa vào đầu tư công để đối phó cho qua đại dịch, những vấn đề quan trọng khác tiếp tục buông bỏ thì sau đại dịch, chúng ta sẽ càng khó khăn hơn. Chúng ta phải tận dụng thời điểm kinh tế thế giới đang chậm lại để thay đổi lại nhiều thứ lẽ ra nên làm từ lâu.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm