Cụ thể, theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, các bước lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà được thực hiện như sau:
Bước 1: Thu thập mẫu
Ở bước này, tùy theo mỗi bộ kit xét nghiệm khác nhau mà có thể yêu cầu lấy mẫu dịch tỳ hầu hoặc dịch mũi.
Thao tác lấy mẫu dịch tỵ hầu:
- Người được lấy mẫu có thể ngồi hoặc nằm, đầu nghiêng về sau một góc 70 độ
- Người lấy mẫu cầm cán que lấy mẫu tỵ hậu thường kèm theo bộ test, nhẹ nhàng xoay và đưa đầu bông qua lỗ mũi, đẩy dọc sàn mũi tới khoang mũi hầu cho đến khi thấy có lực cản nhẹ. Sâu khoảng 1/2 khoảng cách từ đầu mũi đến dái tai.
- Xoay que ba lần và giữ yên 10 giây cho đầu que hấp thu tối đa mẫu phẩm; nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra khỏi mũi người được lấy mẫu và cho vào ống đã chữa sẵn đệm chiết mẫu.
Thao tác lấy mẫu dịch mũi:
- Người được lấy mẫu có thể ngồi hoặc nằm, đầu hơi nghiêng về phía sau.
- Người lấy mẫu cần que lấy mẫu dịch mũi, thường kèm theo bộ kit test) nhẹ nhàng đưa đầu bông vào lỗ mũi thứ nhất cho đến khi có lực cản nhẹ và không còn nhìn thấy đầu bông (sâu khoảng hai cm). Xoay que ba lần và giữ yên 10 giây.
- Tiếp tục xoay và ngoáy đầu bông để lau toàn bộ thành trong và cuối khoang mũi cho đến khi đầu bông ướt hoàn toàn; Chuyển đầu bông sang lỗ mũi thứ hai và lặp lại thao tác như lỗ mũi thứ nhất.
- Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.
Bước 2: Xử lý mẫu
- Cho 10 giọt (khoảng 300 µl) đệm chiết vào ống chiết rồi đặt lên giá đỡ.
- Nhúng đầu que lấy mẫu đã thực hiện lấy mẫu ở bước 1 vào ống chiết; xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống khoảng 10 lần. Để đầu que ngâm trong dung dịch khoảng một phút.
- Bóp cho hai thành ống ép vào đầu que, từ từ xoay que và ép đầu que khi rút que ea khỏi ống để thu được càng nhiều dung dịch càng tốt. Hủy que mẫu đã sử dụng theo quy định đối với chất thải lây
- Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt đi kèm. Giữ đầu ống thẳng đứng, miệng ống hướng lên trên; lắc qua lại theo chiều ngang phần đáy ống 10 lần để mẫu đều và đồng nhất.
- Chú ý quan sát mẫu trước khi thực hiện xét nghiệm, nếu các mảng dịch này còn trong mẫu, cần lắc thể để làm tan tối đa. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc của nắp nhỏ giọt trong quá trình lắc.
Bước 3: Thực hiện xét nghiệm và đọc kết quả
- Nhỏ ba giọt (khoảng 100 µl) mẫu chiết vào ô nhận mẫu của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.
- Đọc kết quả tại thời điểm 15 phút, không sử dụng kết quả sau 20 phút.
Cách đọc kết quả:
Mẫu có kết quả dương tính khi xuất hiện hai vạch ở cả vị trí C và T trên khay thừ. Mẫu có kết quả âm tính khi chỉ xuất hiện một vạch ở vị trí C trên khay thử.
Trong trường hợp không xuất hiện vạch nào hoặc chỉ xuất hiện một vạch tại vị trí T trên khay thử là kết quả không hợp lệ, cần thực hiện lại xét nghiệm.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy, Phòng Khám Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khuyến cáo người dân nên lựa chọn các bộ kit test có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp phép. Ngoài ra, người dân cần chú ý mỗi bộ kit test nhanh khác nhau có thể sẽ có những điều chỉnh nhất định do đó cần đọc kỹ hướng dẫn của từng bộ kit. Hiện có 16 loại kit test nhanh đã được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam.
Cần chú ý đến thao tác lấy mẫu vì bước này vô cùng quan trọng, quyết định đến tính chính xác của việc thực hiện xét nghiệm. Đồng thời cần chú ý các biện pháp vệ sinh, xử lý các rác thải liên quan để đảm bảo an toàn sinh học.
"Sau khi làm xong thì vật dụng cần bỏ vào túi rác y tế màu vàng hoặc lưu trữ vào túi và có thêm túi nilon bên ngoài rồi đưa cho nhân viên y tế xử lý", bác sĩ Duy hướng dẫn.
Tại TP HCM, chiều 22/8, một số quận, huyện đã bắt đầu thực hiện thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) Covid-19 tại nhà. Người kết quả test nhanh dương tính được xem là F0, nếu đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, nếu cần nhập viện thì phải làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Lê Cầm