Xét nghiệm kỹ càng, vốn là nòng cốt trong chiến lược phòng ngừa và kiểm dịch "không khoan nhượng" của Trung Quốc, giúp Dương Châu ngăn chặn hiệu quả đợt bùng phát. Tuy nhiên, nó cũng tạo áp lực lên hệ thống y tế thành phố và gây gián đoạn cho cuộc sống người dân.
Tháng 7, Dương Châu trở thành tâm dịch. Khoảng 10 nhân viên tạp vụ tại một sân bay Nam Kinh dương tính biến thể Delta. Virus nhanh chóng lây lan cho hơn 561 người. Tuy nhiên, hôm 18/8, thành phố chỉ ghi nhận 6 ca mắc mới, giảm đáng kể so với tuần trước, nhờ xét nghiệm liên tiếp 12 đợt trong hơn 20 ngày qua.
Cụm dịch Nam Kinh lan đến ít nhất 14 tỉnh và 34 thành phố trên khắp đất nước. Các khu vực khác cũng tiến hành xét nghiệm hàng loạt để theo dõi sự lây truyền của Delta.
19 thành phố thực hiện 130 triệu xét nghiệm cho hơn 50 triệu người vào ngày 10/8. 8 thành phố không phát hiện ca nhiễm mới. Tổng chi phí ước tính hơn 1,9 tỷ nhân dân tệ.
Khi Trung Quốc áp dụng chiến lược "không khoan nhượng", việc thử nghiệm lặp đi lặp lại, dù tốn kém, được coi là lựa chọn duy nhất ngăn virus lây lan trong cộng đồng.
Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tháng 8, Wu Feng, Giám đốc Khoa Hô hấp và Y học tại Bệnh viện Đại học Dương Châu, cho biết các đợt xét nghiệm vô cùng quan trọng.
"Lây truyền virus là quá trình động, nhưng xét nghiệm chỉ kiểm tra được người dân ở một thời điểm cụ thể. Do đó, không thể truy nguồn lây bằng một lần xét nghiệm tại một địa điểm", ông Wu nói.
Tiến sĩ Leung Chi-Chiu, chuyên gia hô hấp Hong Kong, nhận định: "Khi tìm thấy dấu hiệu của ca nhiễm cộng đồng nhưng không thể truy vết, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài mở rộng quy mô xét nghiệm. Đây là công cụ giúp thu hẹp phạm vi lây truyền, đưa ra các biện pháp ngăn chặn kỹ hơn và giảm thiểu nguồn lực từ việc phải giãn cách xã hội".
"Chi phí xét nghiệm hàng loạt tính ra khá nhỏ so với tổn thất kinh tế nếu để virus lây lan ra khắp Trung Quốc", ông nói thêm.
Cai Yutong, tình nguyện viên tại một điểm lấy mẫu ở huyện Hàn Giang, cho biết: "Đợt xét nghiệm thứ 11 tại khu phố của tôi bắt đầu lúc 6h sáng. Tôi nghe nói còn đợt nữa".
Khoảng 3.000 cư dân đã được thử nghiệm tại đây, do 6 bác sĩ và 30 tình nguyện viên điều phối. Cai nói: "Chúng tôi không có đủ bác sĩ. Về lý thuyết, các bác sĩ cần nghỉ ngơi sau mỗi hai tiếng, nhưng họ đã làm liên tục đến cuối ngày".
Hôm 12/8, điểm xét nghiệm hoạt động đến quá nửa đêm vì bác sĩ không thể đến sớm. Cai nhận định: "Xét nghiệm hàng loạt tạo gánh nặng lên vai nhân viên y tế, vì họ phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày và không biết khi nào việc này mới kết thúc. Nhiều người trở nên lơ là khi thực hiện khử khuẩn, bất cẩn khi xử lý mẫu đã thu thập".
Ngày 11/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán số ca nhiễm toàn cầu có thể vượt 300 triệu vào đầu năm 2022 nếu đại dịch tiếp tục lan rộng theo đà hiện tại.
Khi nhiều nước lựa chọn mở cửa, câu hỏi đặt ra là liệu xét nghiệm hàng loạt có phải phương án lâu dài và bền vững để kiểm soát Covid-19 hay không. Giáo sư Jin Dong-yan, chuyên gia virus phân tử tại Đại học Hong Kong, cho biết ông phản đối chiến lược này. Thay vào đó, ông cho rằng giới chức nên truy vết thường xuyên và xét nghiệm tại các địa điểm quan trọng, gồm nhà hàng và sân bay.
Thục Linh (Theo SCMP)