Cụ thể, Nvidia sẽ trả cho SoftBank 21,5 tỷ USD cổ phiếu và 12 tỷ USD tiền mặt. Số còn lại sẽ được trả bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu tùy hiệu quả kinh doanh của công ty trong tương lai. Cùng với đó, ARM sẽ hoạt động như một bộ phận riêng của Nvidia. Công ty vẫn đặt trụ sở tại Anh và "tiếp tục vận hành mô hình cấp phép mở, đồng thời duy trì tính trung lập với khách hàng toàn cầu".
ARM có nguồn gốc từ công ty Acorn của Anh. SoftBank - tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Nhật Bản - đã mua lại doanh nghiệp này năm 2016 với giá 31 tỷ USD.
Không giống các tập đoàn sản xuất chip xử lý khác như AMD, Intel, Motorola hay Hitachi, ARM chỉ thiết kế và bán chip thay vì tạo ra vi mạch CPU, GPU hoàn chỉnh. Kiến trúc ARM được rất nhiều công ty bán dẫn trên thế giới mua bản quyền, trong đó có Apple, Samsung, Qualcomm... Một số công ty lớn gần đây bắt đầu chuyển sang dùng chip ARM, chẳng hạn loạt máy tính Surface của Microsoft hay Apple gần đây cũng có kế hoạch sử dụng chip này cho máy Mac.
Nvidia hiện là nhà sản xuất chip đồ họa GPU hàng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ, đồng thời đang tập trung vào các lĩnh vực như GPU, ôtô tự lái và AI trong 5 năm qua. Tuy nhiên, công ty chưa ghi dấu ấn ở mảng thiết kế CPU hoặc phần cứng di động ngoài dòng chip Tegra được sử dụng trong các thiết bị chơi game, như Nintendo Switch.
Theo Forbes, CEO Nvidia, Jensen Huang, cho biết ưu tiên của công ty về thương vụ là "mang công nghệ Nvidia đến mọi người thông qua mạng lưới ARM rộng lớn". Tuy nhiên, ông khẳng định ARM sẽ không thay đổi mô hình cấp phép hiện tại.
Nvidia từng tham vọng ở mảng sản xuất CPU cho smartphone nhưng không thành công. Tuy nhiên, việc mua lại ARM có thể giúp hãng có thể tiến sâu hơn vào lĩnh vực này, thậm chí có thể tạo ra các CPU di động đủ sức cạnh tranh với Qualcomm, Apple hay Samsung. Giới chuyên gia nhận định, thị trường chip xử lý di động có thể biến động thời gian tới.
Bảo Lâm (theo The Verge)