"Những động thái của Mỹ nhằm vào Huawei, TikTok, WeChat và SMIC chỉ là khởi đầu của sự chuyển dịch sâu sắc, trong đó chứng kiến Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế xem xét lại cách làm việc với công nghệ Trung Quốc", báo cáo được Quỹ Hinrich có trụ sở tại châu Á công bố có đoạn viết.
Các công ty Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trên toàn cầu khi quá trình tách rời Mỹ - Trung tăng tốc, trong khi những nước có chung quan điểm sẽ hợp lực để thúc đẩy những tiêu chuẩn và quy tắc riêng trong ngành công nghệ.
Australia, Nhật Bản và Anh đã theo bước Mỹ khi cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G, còn Ấn Độ cũng ra lệnh cấm hơn 100 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có TikTok.
Hồi tháng 8, Mỹ khởi động sáng kiến Mạng lưới Sạch nhằm loại bỏ công nghệ Trung Quốc khỏi các mạng không dây và kỹ thuật số, với lý do chúng gây ra những mối đe dọa an ninh quốc gia. Chỉ một tháng sau, Trung Quốc cũng kích hoạt Sáng kiến Toàn cầu về An toàn Dữ liệu (GIDS), trong đó kêu gọi áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về bảo mật dữ liệu, nhưng động thái này bị chỉ trích chỉ là nỗ lực ngăn các nước tham gia chương trình của Mỹ.
Báo cáo nhận xét, những hành động này gây khủng hoảng cho doanh nghiệp Trung Quốc, vốn đang chịu nhiều áp lực do bị coi là cánh tay nối dài của chính phủ. Trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung leo thang, mối liên hệ giữa các công ty với chính phủ khiến họ bị đánh giá là những thành phần độc hại.
Quỹ Hinrich cho rằng Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực ngăn chặn các công ty Trung Quốc mở rộng ra thị trường quốc tế, bất chấp ai là người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vào tháng 11.
"Điều này sẽ đánh dấu bước ngoặt trong ngoại giao toàn cầu, có thể dẫn đến sự xuất hiện của những khuôn khổ pháp lý mới nhằm quản lý công nghệ và dữ liệu. Điều đó sẽ gây nhiều vấn đề cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc", báo cáo kết luận.
Điệp Anh (theo Bloomberg)