Theo Financial Times, trong khi Huawei đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt vi xử lý cho thiết bị di động và thiết bị viễn thông, họ vẫn có thể tiếp tục hợp tác với một số công ty sản xuất chip Mỹ để phát triển và kinh doanh công nghệ đám mây.
Từ giữa năm 2019, Mỹ ban hành các lệnh cấm, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp nước này phải có giấy phép nếu muốn bắt tay với Huawei. Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đã nộp đơn xin cấp phép và một số được cho là đã được phê duyệt.
Một số nguồn tin khẳng định Intel đã có giấy phép làm ăn với Huawei. Do đó, hãng công nghệ Trung Quốc có thể sử dụng chip Intel để thay thế cho các CPU đám mây của công ty là Kunpeng và Ascend - hiện không còn được sản xuất do lệnh cấm của Mỹ.
Mảng đám mây của Huawei cung cấp sức mạnh điện toán và công nghệ lưu trữ, trong đó có cả quyền tiếp cận các giải pháp trí tuệ nhân tạo, cho các khách hàng.
Dù đứng sau Alibaba và Tencent, bộ phận này của Huawei đang phát triển nhanh thời gian qua. Hồi tháng 1, Huawei đặt mảng này ngang hàng với mảng kinh doanh smartphone và thiết bị viễn thông. Bắc Kinh cũng được cho là sẽ tăng cường hỗ trợ Huawei thông qua các hợp đồng cung cấp điện toán đám mây công cộng.
Ngày 17/8, Mỹ tiếp tục siết chặt lệnh cấm, yêu cầu các công ty, nếu sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất chip, phải xin giấy phép đặc biệt khi mua bán với Huawei. Theo Nikkei Asian Review, Huawei đang gấp rút mua các thành phần quan trọng trên smartphone, như chip 5G, Wi-Fi, module điều khiển màn hình, chip nhớ... từ MediaTek, Novatek, RichWave, Realtek, Samsung trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào 14/9.
Minh Minh